Thứ Hai, 31 tháng 12, 2007

Ðọc Thơ Mạc Phương Ðình


Trong một bài phỏng vấn tôi mới đây đăng trên báo Khởi Hành, nhà văn Viên Linh đã viết: "Từ năm 1975, Toàn Phong viết văn trở lại". Ý anh muốn nói tôi viết trở lại bằng tiếng Việt. Tôi viết trở lại vì nay với một khối vĩ đại người Viêt di cư, ở tỏa ra khắp hoàn vũ, lời viết của tôi đã có người đọc. Tôi đã viết để nói tâm tư của mình, nhưng mỗi khi đọc được một tập văn hay một tập thơ, mà tôi thấy xuất sắc, tôi cũng viết lên những lời phẩm bình để giới thiệu ý hay lời đẹp của các văn thi hữu. 

Tập thơ mở đầu bằng mấy lời cảm đề của thi sĩ Hà Thượng Nhân. Như thường lệ, mỗi khi vị thi huynh của tôi đặt bút là anh lại viết thành thơ, nên những lời giới thiệu này cũng là một bài thơ dài hai mươi sáu câu viết theo thể thất ngôn. Qua những câu thơ này, Hà thi bá cám ơn Mạc Phương Ðình đã đưa tâm hồn ông lại thời còn trẻ, nhớ tiếng mẹ ru và khi đọc thơ người tưởng đâu là thơ mình, viết lên thuở còn xuân sắc.
Tôi trích dưới đây bốn câu cuối trong bài:

"Tối nay gối sách kê đầu ngủ,
Tưởng gối tình nhau thuở học trò,
Tưởng vẫn thơ mình ngày thuở ấy,
Cám ơn trời đất những cơn mơ."

Nếu Hà tiên sinh, khi đọc thơ người tưởng đâu là thơ mình thì ở cuối thi tập, khi viết bài cảm nghĩ sau khi đọc xong tập thơ, nữ thi sĩ Huệ Thu cũng bộc lộ tâm tư bằng những câu tương tự. 

Ðọc thơ của Mạc Phương Ðình, viết bằng đủ các thể loại, Huệ Thu cũng thấy tâm hồn rung động, vốn nòi tình mà cảm thương người đồng điệu để viết lên những lời khen ngợi rất chân tình. Giữa hai bài viết cảm đề của Hà Thượng Nhân và cảm nghĩ của Huệ Thu là phần chính của tập thơ gồm có sáu mươi ba bài, có vài bài ngắn chỉ có bốn câu và thỉnh thoảng có những bài dài, nhưng thường thì thi sĩ dùng thể thơ thất ngôn và bát ngôn, để viết những bài thơ mượt mà, dài vào khoảng trên dưới hai mươi câu.

Về ý thơ thì Mạc Phương Ðình hướng về bốn đối tượng chính là thơ viết về mẹ, và có cả một bài thơ viết về cha, thơ viết về một người em nào đó, giờ đây ngoài ba mươi năm sau ông còn nhớ đến những kỷ niệm khi tuổi học trò, thơ viết về những người bạn, và sau cùng là những bài thơ tả nỗi niềm tâm sự, nhớ về quê xưa, trường cũ. Trong thi tập cũng có một số bài thơ ngũ ngôn và một bài lục ngôn, gieo vần thật chỉnh, rất dễ gợi cảm cho những người muốn phổ thơ thành nhạc, và nhiều bài thơ lục bát, nếu ngâm lên, nghe chắc sẽ thấy hay tuyệt vời. Một thí dụ là bài thơ mở đầu "lời ru của mẹ", mà tên cũng dùng làm đề từ cho thi tập.
Chỉ cần đọc hai câu mở đầu:
"Nửa khuya giọng hát nhà ai
Âm ba tiếng mẹ ru dài phố đêm "..
và hai câu kết luận bài thơ
"Vọng khuya nghe tiếng ru dài
Viễn phương lòng vẫn u hoài niềm đau."

là ta thấy ngay được ý thơ, tiếng nhạc trong những lời viết của tác giả. Tiếp tục với những dòng thơ lục bát, ta thử trích mấy câu đầu trong bài "đêm nghe sóng vỗ":


"Lặng nghe sóng vỗ ghềnh xa
Tưởng như tiếng gọi quê nhà ngổn ngang.
Cánh chim mờ nẻo mây ngàn
Âm ba nhịp sóng hoang mang điệu sầu.
Nỗi riêng giờ gửi về đâu!
Bài ca chiêu niệm công hầu tuổi xuân.
Núi sông mờ bụi đăng trình
Một phương tâm sự lời tình mỏi mê."
 

Qua những lời thơ, ta như nghe được nhịp điệu, và cảm thông với thi nhân nỗi nhớ nhà, trong khi còn ở xa quê hương theo nghiệp đăng trình. Cho đến nay, chỉ có một số người là thành công khi làm những bài thơ lục bát dài. Khi xưa ta có những Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, và Bùi Giáng, sau này được Du Tử Lê và Huệ Thu, và mới đây Cung Trầm Tưởng cũng trở về với thể thơ này với những bài trường ca có thể gọi là thành công. Qua chừng khoảng chín bài lục bát trong tập thơ này, ta cũng có thể tin rằng rồi đây Mạc Phương Ðình cũng theo kịp những người đi trước.

Phần lớn những bài thơ trong thi tập, Mạc Phương Ðình dùng thể thất ngôn và cũng có một số không ít được viết theo thơ lối mới dùng tám chữ. Có thể nói đây là khoảng trời thơ của Mạc Phương Ðình, vì giới hạn chữ đã được mở rộng ra để anh có thể chọn lời, gieo vần một cách diệu kỳ và bộc lộ tâm sự với những người thân thương, như là người mẹ hiền đưa tiễn con mà nước mắt rưng rưng, người cha trọng kính như vòm cây cổ thụ, hay chỉ là một người bạn để gửi đôi dòng tâm sự, một người em gái nhỏ để có những đêm chong đèn viết lá thư tình, để cho đến giờ mối tình còn nồng nàn, hay đối tượng có khi chỉ là một ngôi trường có tên là Quốc Học hay Trần Cao Vân.

Tùy theo từng người, hay đối với từng sự vật mà Mạc Phương Ðình có những ý thơ, và lời diễn đạt khác nhau mà ta có thể nhận thấy ngay qua một số câu thơ trích dẫn. Khi viết mấy vần "thơ xuân chúc bạn" nhà thơ cũng không tránh khỏi nghĩ đến nỗi xa quê hương, và đời sống hiện nay của mình:

Bao nhiêu gian khổ, đau tâm sự
Những mảnh đời riêng nỗi đoạn trường.
Xứ lạ khuya buồn nghe tiếng nhạn,
Lạc bầy tìm bạn giữa đêm sương.
Gió mưa trăm ngả đời trôi dạt,
Non nước giờ xa cuối nẻo đường.
Quê cũ tìm ai chia giọt lệ!
Hẹn hò sông núi cũng tang thương. "

Nhớ về "dòng sông quê mẹ", tác giả cũng như nghe thấy âm hưởng của những lời mẹ ru thuở còn thơ ấu:


"Ta vùng vẫy với mây trời bảng lảng,
Những đêm trăng thuyền chở gió sang mùa.
Ơi dòng sông mang phù sa màu đỏ
Về ruộng đồng mươn mướt lúa ban trưa.
Những dòng sông ngọt ngào thời thơ ấu,
Lời mẹ ru âm hưởng giữa chiều mưa."

Giờ đây, chúng ta trong kiếp đời lưu lạc, ai cũng có những giây phút trạnh lòng nhớ tới quê hương, đến tuổi học trò, đến những người bạn cùng trường. Trong tập thơ, Mạc Phương Ðình hay nhắc đến một cô em bé nhỏ. Trong bài "vùng trời hoa niên" ta đọc thấy:


"Dáng nhỏ xôn xao tà áo lụa,
Bâng khuâng đôi mắt ánh thu buồn.
Chiều khua nhịp guốc, heo may lạnh,
Rực rỡ em về, nắng cuối thôn.
Lối nhỏ Tam Kỳ như lặng lẽ
Theo em từng bước lặng trong hồn."

Cô em bé nhỏ này có lẽ là nguồn thơ đầu đời của cậu học sinh ở Tam Kỳ vì chàng đã kể trong "có những điều như thế":


"Có thuở nào một lời không dám ngỏ,
Chong đèn khuya ngồi viết lá thư tình.
Thư chẳng gửi, mực nhòe theo nét bút,
Tập làm thơ từ nỗi nhớ long lanh."..
để rồi:
Có một thuở mối tình đầu vụng dại,
Ðể một đời thao thức mãi không thôi.

Mạc Phương Ðình là chàng trai xứ Quảng, sinh ra ở Tam Kỳ và khi lớn lên, có lần theo học ở Trường Quốc Học, tất nhiên có nhiều kỷ niệm với đất thần kinh, như đã được bộc lộ qua "chút tình gửi Huế" với những dòng thương cảm mở đầu:


"..Ba năm với Huế thời đi học,
Một mảnh tình con thật dễ thương.
Áo trắng theo em về Thượng Tứ,
Ðò ngang chung bến ngỡ quen đường."..
để rồi
"Ðồng Khánh ai chờ trăng bến cũ,
Niềm riêng Quốc Học dấu bâng khuâng.
Lặng giữ trăng thề hôn mái tóc,
                                                  Vùi chuông Thiên Mụ gõ đêm sương."..

Một bài thơ điển hình bằng thể thơ tám chữ, và cũng là môt bài nói lên tấm lòng chí hiếu của Mạc Phương Ðình đối với Cha và Mẹ, trung thực đối với mọi người, biết ơn Thầy học đã dẩn anh vào đường trí thức và cũng cám ơn người Em gái đã yêu mặn nồng từ thuở đôi mươi và trở thành người bạn đời mấy mươi năm cùng nhau chia sẻ ngọt bùi là bài "lời cảm ơn" được dùng làm bài cuối cùng cho thi tập. Với lời cảm ơn của riêng tôi với Mạc Phương Ðình đã cho tôi có dịp đọc tập thơ của anh, với những bài thơ thật mượt mà, trang nhã, ý hay, lời đẹp, để nay viết lên ít lời cảm nghĩ, tôi xin được in lại nguyên văn bài thơ kết thúc này vì ngoài tiếng thơ ngạt ngào tình cảm dễ gây xúc động cho người đọc, tôi nghĩ cũng là một bài thơ nên được quảng bá giữa giới trẻ Việt đang sống trên nước người, đặc biệt với các em đang khao khát muốn hiểu biết thêm về tình gia đình và tình người trong nếp sống xưa kia trên quê hương.



Lời cảm ơn

cám ơn Mẹ những lời ru dịu ngọt
lời ru con mang vần điệu ca dao
quê hương đẫm lời núi sông tình tự
mãi ngàn năm trong hơi thở dạt dào,


cám ơn Cha những đòn roi thuở nhỏ
dạy cho con trong ứng xử cuộc đời
luôn trung thực không tham lam ích kỷ
sống vì người với tất cả niềm vui,


cám ơn Thầy dẫn con vào trí thức
nhìn cuộc đời bằng đôi mắt khoan dung
đem hiểu biết cho nhau trong cuộc sống
yêu non sông dòng Việt sử oai hùng,


cám ơn Em suốt cuộc đời tình nghĩa
mấy mươi năm chia cay đắng ngọt bùi
bao gian khó vẫn không làm phai nhạt
tình vẫn nồng như thuở tuổi đôi mươi,


cám ơn Ðời, dẫu cho người thù hận
cám ơn bạn bè với những yêu thương
xin cám ơn, xin cám ơn tất cả
dìu nhau đi trong cõi sống vô thường.

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2007

Thơ Cụ HÀ THƯỢNG NHÂN

Cám ơn
Tôi vốn yêu thơ từ thưở nhỏ
Người cho xem thử mấy lời ru
Lời ru của mẹ qua năm tháng
Dựng lại vầng trăng thưở ấu thơ
Tóc đã bạc rồi lòng vẫn trẻ
Vẫn buồn như lá buổi tàn thu
Lời ru của mẹ, lời ru ấy
Có rối cùng chăng tóc Nguyễn Du?
Có những đêm trường thao thức nhớ
Lời ru còn nhớ đến bao giờ?

Mẹ tôi mới đó không còn nữa
Sao tiếng ru kia lại bất ngờ
Xin cám ơn ai người tuổi trẻ
Nhắc nhau trên những bước bơ vơ
Rằng còn sông núi, còn quê mẹ,
Còn khói lam xanh, bóng nguyệt chờ
Còn bến sông Hương hò mái đẩy
Còn tà áo trắng, nón nghiêng hờ
Còn con đường cũ lung linh nắng
Còn những bàn tay bát ngát thơ

Tôi đọc bỗng dưng tôi gấp sách
Hỏi người câu hỏi rất ngu ngơ
Tối nay gối sách kê đầu ngủ
Tưởng gối tình nhau thưở học trò
Tưởng vẫn thơ mình ngày thưở ấy
Cám ơn trời đất những cơn mơ.

Hà Thượng Nhân