Thứ Ba, 22 tháng 1, 2008

Lam Điền viết về Lời Ru Của Mẹ

Lam-Điền Nguyên-Thử

( Bài viết nguyên là một lá thư của anh Nguyễn hữu Thử, cựu Sĩ quan CTCT ĐàLat cũng là một nhà thơ xứ Quảng, bút hiệu Lam Điền NT, đã xuất bản tập Lời Ru Tình năm 1970 cùng với Trần Yên Hoà, đã gởi cho tác giả MPĐ sau khi đọc Lời Ru Của Mẹ)

Anh MPĐ,
Tôi đã nhận được tập thơ anh tặng đúng vào dịp tôi có 10 ngày vacation, vì thế tôi có thời gian để đọc thơ anh (nghĩa là đọc nhiều lần và đọc rất kỹ theo nhiều cách).
Trước hết, xin chúc mừng anh đã làm được một việc đáng làm. Và cũng xin bái phục anh về kỹ lục làm thơ, chỉ trong một thời gian ngắn mà anh đã sáng tác khá nhiều thơ (trong lúc ...ở Mỹ thời gian rất quí). Dĩ nhiên đây là những bài chọn lọc, phần chủ yếu là viết về Mẹ, về quê hương, cho gia đình và bạn bè.


Cụ Hà Thượng Nhân cám ơn anh là phải, bởi anh đã nhắc lại những điều mà nhiều người hầu như lãng quên (trong đó có cả cụ HTN?) Sau năm l975, con người thay đổi một cách kỳ quái, những người ra đi lại mang thêm cho họ những ý tưởng quái dị, của những con người đang tiến dần đến bên bờ vực của vị kỹ, và trở thành vong ân, bội nghĩa. Tập thơ của anh đã làm sống lại một phần nào đó những ý thức bị chôn sống, hay bị chết yểu từ thơ ca Việt Nam từ lâu.
Thành thực mà nói, anh là người có tài, có thực tài trong các thể thơ 5 chữ và 6 chữ. Như bài Dĩ vãng, đầu anh dùng đơn vận nhưng toàn bài tròn trịa, sâu và buồn., âm điệu nhẹ nhàng và thanh thoát nhất trong số 64 bài anh đã in. Bài Người Về cũng thế. Hai bài này đã biến thành nhạc, chứ không còn là thơ nữa. Đó là tôi chưa nói đến bài Tình cờ, bài Tình cờ mang rất nhiều nét mới lạ, . Có lúc tôi đã thử sắp xếp lại những câu thơ ấy bằng những vị trí khác nhau, tôi có được nhiều bài thơ khác vẫn hay như thường. Điều này có thể thực hiện được trong nhiều bài khác nữa, từng hai câu như bài Nuối Tiếc hoặc bài Mùa Xuân quê Người. Trong cả hai bài thơ này mang tính cách câu từng cặp độc lập. Đó là một nhược điểm làm cho bài thơ chỉ hay từng câu chứ không thể hay toàn bài được.
 
Riêng bài Gởi Về Em thì thật là tuyệt vời. Và nếu tôi không lầm thì bài thơ này rất ngoại lệ, nghĩa là không phải anh làm nó ở Mỹ- vì nếu thế thì nó trở thành không hay nữa- Cô Huệ Thu (?) cũng có đề cập đến bài này, nhưng có thể chưa phải là khám phá ra cái sâu sắc nhất của bài thơ :


Hoa có nở phía bên trời xa ấy
đời gian nan em chân yếu tay mềm
anh một khó, em trăm lần khổ nhọc..
sách đèn xưa xiêu lạc ngỏ qua thềm..

 
Tôi sắp xếp lại bốn câu theo kiểu ấy, khi tôi đọc lại thấy nó đi ngay vào tim tôi, và giữ nguyên trạng thái nghèn nghẹn rất lâu - đó là điều kỳ lạ - nó buộc tôi nhớ lại mấy câu thơ cuả L.D.N : Có khổ nghèo chi em chẳng sợ, cái chi anh dặn cũng vâng lờI, có điều anh bảo đừng thương nhớ, đừng khóc vì anh..em chịu thôi.
Anh MPĐ à, Ngoài bài Gởi về Em, còn một bài nữa mà tôi cho là tuyệt tác, vì nó hợp với lối làm thơ của tôi, đó là bài Một Góc Quê Hương. Anh biết không, tôi đọc một hơi từ đầu cho đến câu : Ơi Việt Nam yêu dấu ở đây rồi. Đó là một câu thơ nặng hàng ngàn tấn, ập xuống như một quả bom sáng, làm cho bài thơ rực rỡ hơn, huy hoàng hơn.và chỉ cần một câu thơ đó đủ chứng tỏ tài năng của anh rồi. Và cũng chính bài thơ này đã nâng giá trị tập thơ của anh lên một bậc (mà theo tôi nghĩ ít ngườI thấy). Và cũng chính bài thơ này đã làm khổ anh đấy., nếu anh đọc sau đó là bài thơ Ru Em.. Bài Ru Em đã bị hai bài Gởi Về Em và bài Một Góc Quê Hương đè bẹp- bởi hầu như nó chẳng nói thêm được gì, đó là chưa nói đến những ý trùng lặp liên tiếp trong bài này, thậm chí thừa cả bốn câu sau cùng.


Riêng mấy bài anh viết về Mẹ thì thật là cảm động. Dĩ nhiên đó là cốt lõi của tập thơ. Nhân đây tôi cũng xin hỏi ý kiến anh, nhân ngày Vu Lan tôi muốn xin trích đăng một số bài cho tờ báo mà tôi phụ trách (Báo của Nhà Chùa Kỷ niệm
Vu Lan Báo Hiếu). Đó là các bài như Gian Truân Tuổi Mẹ, Bàn Tay Mẹ..Vòm cây Cổ Thụ..Thương Mẹ Gian Truân - viết đến đây tôi bỗng nhớ đến câu :

Răng mẹ rụng, ngô khoai sượng cứng
Nghĩ thương con mẹ cũng gắng nhai
Nếu trích đăng, tôi xin sửa hai chữ., đó là Ngô tôi sẽ đổi thành Bắp hoặc Sắn, và chữ Gắng đổi lại là Rán cho nó có giọng điệu Quảng Nam một chút, anh đồng ý không? Theo tôi nghĩ cái rất nhỏ như rứa mà cần ghê lắm. Bơỉ toàn tập thơ cuả anh, anh đã cố tình (hay vô tình) xa lánh những cụm từ đất Quảng. Phải chi nó được rót vài câu ca dao Quảng Nam vào bài thơ Lời Ru Của Mẹ, phải chi anh thay con chim Nhạn thành con chim Én..Những bài lục bát tốc độ lai nhanh xa hẳn tiếng à ơ, à ời..chiều chiều lại nhớ... Đó là vài điều tôi thấy hơi tiếc tiếc, thế thôi, nhưng lẽ naò không quan trọng?

Về thơ lục bát, có lẽ bài Đêm nghe Sóng Vỗ là bài lục bát tròn trịa nhất, nó vượt cao hơn bài Lá Sầu Đông, bởi Lá Sầu Đông đang hay, bỗng dưng bị chận lại bởi hai câu thơ trống rổng : Lạc bầy con nhạn bơ vơ, ai đem ngày tháng vào thơ dịu dàng..Đúng là hai câu đó làm hại cả bài thơ. Nếu anh có cách bỏ nó đi trong lần tái bản, thì tốt hơn.


Có lẽ vì tôi quá khe khắt với một số từ cũng có, hay tôi ghét chữ Con Nhạn không biết? Bởi nó là một từ cỗ,. nhưng người làm thơ cũng chẳng mấy ai tránh được những từ cỗ đâu, bởi nó bị trói buộc bởi niêm luật, âm và vận. Thế mà cũng có lắm người làm thơ lại thích dùng những cụm từ, hoặc danh, tính từ triết học, hoặc sáo ngữ, làm cho câu thơ thêm âm u, khó hiểu. Đó là cách làm thơ theo lý trí, không còn là thơ tình cảm nữa.

Thành thật mà nói., tôi cố gắng Vạch lá Tìm sâu, Bới lông Tìm vết trong thơ anh- vì biết rằng chỗ anh anh em với nhau, không nên khen chê một cách bừa bãi, và cũng biết rằng anh không tự ái khi tôi nói thẳng những gì tôi nghĩ - Dĩ nhiên là tôi cũng có cái sai- vì chúng ta dều cùng muốn tiến bộ. Tuy nhiên khi đọc lại bài Thơ Xuân Lạc Vận thì tôi lại hiểu ra, từ nỗi nhớ xa xôi của âm vận từ bà Huyện Thanh Quan trải dài đến Nguyễn khắc Hiếu và kéo lê qua suốt những âm vận của thập niên 1960-1970. Thơ như thế không còn là thơ xuân nữa mà nó đã lạc qua mùa thu, đúng lại giữa mùa đông đôi chút rồi quay về mùa thu. Chính là thơ đã dẩn mùa Xuân đi lạc, không còn là thơ xuân nữa. Chính cái rắc rối mù mờ đó mà tác giả cũng chẳng biết phải giải quyết ra sao nữa.. Mùa đông trên mái tóc và tai nghe văng vẳng tiếng pháo xuân từ một quá khứ nào đó buồn như giọt lệ nến..

Còn một cụm từ nữa mà tôi thấy anh hay dùng, đó là Nhịp đập con tim ;ở trong các bài : Tình như trái đắng, Soi bóng đường về, Tìm ta trong mắt Em..hoặc một số câu như : Vỗ giấc cô miên, vỗ giấc miên trường, vỗ giấc chiêm bao.. những cụm từ này thường gặp trong thơ xuất bản trong khoảng 1960-1972..
Về niêm luật, thật sự mà nói anh quá khắt khe với niêm luật và vần điệu. Chính vì thế nên anh tìm vần rất khó, rất khổ, mà còn khó nói lên được hết ý mình. Hầu hết những bài thơ của anh (loại 7 chữ và 8 chữ) đều gò vào độc vận., đến nổi có nhiều khi gần cuối bài thấy đuối sức phải chuyển sang một vận khác. Tôi ít thấy có một tác giả nào tự gò bó mình theo kiểu đó, bởi vì đó là một thiệt thòi lớn cho thi sĩ. Ví dụ bài Lặng Lẽ Thơ Người, anh chỉ sử dụng độc vận ao, trong khi đó anh có thê dùng au, âu để cho dễ và thoáng hơn, người ngâm thơ cũng rất dễ chán khi ngâm các bài thơ này. Bài Tam Kỳ trong Thao Thức cũng rứa.
Nhưng cũng chính nhờ lối thơ độc vận này, tôi lại khám phá ra một điều thú vị nữa, đó là trong bài Xuân Tha Hương nó ẩn chứa một bài thơ Đường :


Lại một mùa xuân nữa đến rồi
Tuổi đời chồng chất tóc pha vôi
Công danh chôn chặt cùng năm tháng
Sự nghiệp đành buông theo nước trôi
Rượu thấm thêm đau niềm cố quốc
Gương soi mờ nhạt kiếp con người
Long đong tự buổi lìa quê mẹ
Ôm mối sầu xuân mãi chẳng nguôi..



Đấy, một bài thơ Đường hẳn hoi, mở, kết chắc nịch, chỉ có phần đối chưa thật chỉnh. Sửa lại chút xíu là đẹp.
Riêng đọc bài Vùng Trời Hoa Niên của anh cảm thấy có chút gì đó phảng phất giống như bài thơ Đường Hoang Đường Tương Tư của tôi làm năm 1965 và đã in trong tập Lời Ru Tình xuất bản năm l970 tại Sàgòn. Tôi xin chép lại vài đoạn để anh xem thử nó giống nhau ở chỗ nao :


Tóc mới xuân -mà mắt đã thu
Cành non chưa dám hẹn sương mù
Em đi sách vở hờn tay yếu
Tình đã chung- sao sầu vẫn tư

Em về Đại lộc mùa hoa phượng
Giờ chắc Nam trân cũng chín vàng
Chắc em vui lắm- em buồn lắm
đâu biết anh nhìn mấy nẻo hoang

Mấy nẻo đưa em- mấy nẻo chờ
đường xa khéo vấp nắng vương tơ
Guốc cao đau dưới bàn chân nhỏ
Em bước bao giờ hết tuổi thơ

Bóng đổ xiêu và áo trắng bay
Ô hay.. ờ nhỉ mù sương cay
Em đi hun hút vùng mây khói
Nhớ bấy nhiêu- sao mình đã gầy..

Còn một điều nữa và cũng là điều hết sức cần thiết không thể thiếu được (thế nhưng anh đã thiếu trong tập thơ nầy !), đó là thời điểm của mỗi bài thơ được sáng tác. Mỗi bài thơ, thi sĩ phải để lại một dấu ấn thời gian, bởi thi sĩ là chứng nhân lương tri của lịch sử..Nhân tiện đây, tôi cũng muốn hỏi nhỏ anh một điều : Sao trong tập thơ nào thiếu vắng những bài thơ tình của anh vậy? Hay anh để dành lại cho tập Những Dòng Kỷ Niệm mà anh sẽ cho in tiếp sắp tới?

Những bài thơ tình thường là những tác phẩm của thời còn trẻ, với những rung động thực, không giả tạo, hy vọng sẽ được đọc những bài thơ thật dễ thương cuả anh về tình yêu trong Những Dòng Kỷ Niệm
. Với tập thơ đầu xuất bản ỏ hải ngoại, theo như Cô Huệ Thu nhận xét (mà tôi cũng đồng ý như vậy)anh đã dành được cho mình một chỗ ngồi xứng đáng một cách khiêm tốn


Xin chúc mừng anh.

Charlotte, jul 22-01
Lam Điền Nguyên Thử
Hình buổi ra mắt sách của MPĐ, tháng 10/2005 tại San José, California

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2008

Lời phát biểu của Nhà Thơ Song Nhị

Kính thưa quý niên trưởng,
Kính thưa quý văn thi hữu
Thưa các bạn,

Vừa rồi niên trưởng HTN đã giới thiệu thi phẩm Lời Ru Của Mẹ của MPÐ với nhiều nhận xét xác đáng. Tôi hân hạnh được tác giả ủy thác đọc và giới thiệu thi tập Những Dòng Kỷ Niệm, tập thơ vừa được ấn hành trong tháng 6 này. 
Ðã có nhiều người nói và nhiều người viết về thơ Mạc Phương Ðình, mặc dù đây là lần đầu tiên anh ra mắt sách. Cũng có nhiều người tưởng rằng Mạc Phương Ðình mới làm thơ và mới vừa xuất hiện trên thi đàn hải ngoại. Theo tôi biết Mạc Phương Ðình làm thơ từ rất lâu, từ hồi còn trẻ, từ lúc đang học trung học.
Thơ Mạc Phương Ðình đã từng đăng trên tạp chí Bách Khoa và một số tờ báo khác tại Sài Gòn trước năm 1975. Nhưng đã hơn 20 năm tác giả "tuyệt tích giang hồ" cho đến một lúc, khi bắt đầu luống tuổi, cuốn phim đời bỗng nhiên chiếu rọi, quá khứ hiện về, kỷ niệm trùng trùng như từng đợt sóng nhấp nhô chờn vờn trong ký ức và bấy giờ THƠ như một giải cứu những u ẩn, trầm mặc tích tụ trong tâm hồn ...

Từ đó nhà thơ trở về với nghiệp dĩ và từ đó Mạc Phương Ðình trở lại với thơ, để trong một thời gian ngắn tác giả đã cho trình làng hai thi phẩm cùng một lúc. Thơ Mạc Phương Ðình hiện diện lâu nay khắp nơi trên các tạp chí, trên sách báo hải ngoại, trên mạng lưới toàn cầu, đặc biệt hiện diện trong sự chú ý và cảm tình của giới yêu thơ.

Nhiều người đã viết, đã nói về thơ Mạc Phương Ðình. Nếu đúc kết hết những nhận xét của Tràm Cà Mau, của Huệ Thu, của Chu Vương Miện, của Nguyễn Tường Bá, của Lê Duy, của Ðỗ Tiến Ðức, của Thanh Thương Hoàng của Trần Kiêm Ðoàn; và bài tựa của niên trưởng Hà Thượng Nhân v.v thì chúng ta có thể kết luận Mạc Phương Ðình đích thực là một nhà thơ chính danh, không mạo nhận.

Theo tôi tác giả là một người đã sống, đã viết, đã dấn thân trong trường đời cũng như trong trong trường văn, đã thành nhân và đã thành danh với chữ nghĩa. Có nhiều ý kiến cho rằng trong số hàng ngàn người làm thơ, tìm được một thi sĩ không phải là dễ. Trong số hàng ngàn bài thơ của một thi sĩ, may ra cũng chỉ tìm được mấy bài hay. Trong số mấy bài thơ hay đó gạn lọc lại cũng chỉ có được mấy câu thơ hay.
Theo tôi nhận xét này nghe ra có vẻ quá khắt khe, quá khó tánh, nhưng đó là một thực tế, đó là một chắt lọc để tìm đến cái tuyệt đỉnh của nghệ thuật thi vị. Cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, một tài hoa của Văn Học miền Nam trước năm 1975 có những câu thơ trong số hàng chục ngàn câu thơ của Vũ tiên sinh được nhiều người nhắc nhở:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Ðời vắng em rồi say với ai
( Say Với Ai trong Thơ Mây 1943)

hoặc:

Là thôi! Gái thị thành kiêu bạc
Ðã ấm giàu sang lạnh ước nguyền
(Ấm Lạnh - Trời Một Phương 1962)

Hoặc như thi sĩ Bàng Bá Lân có hai câu thơ mà nhiều người vẫn ngỡ là ca dao:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Mạc phương Ðình cũng có những câu thơ thật đáng giá:
Ta về nghiêng mắt nhìn sông nước
Tìm lại hồn xưa trong bóng em

Tôi đồng ý với Tràm cà Mau khi anh cho hai câu thơ sau đây của Mạc Phương Ðình là tuyệt diệu, bởi có một cái gì đó rất tượng hình, rất gợi cảm, rất gần gũi và rất đáng yêu:

Miệng già móm mém cười như khóc
Tóc mẹ bây giờ đã trắng phau
Và trong hai câu:
Ngẩn ngơ một chút quan hoài
nẻo xa bãi cát chừng phai nhạt màu

cũng thật là hay, nhưng chữ "chút" làm giảm bớt đi cái mênh mang bất tận của "nẻo xa bãi cát". Giá như tác giả thay chữ "chút" bằng chữ "cõi" hay chữ "nỗi", hay một chữ nào đó thì có lẽ người đọc cảm thấy "ngẩn ngơ"hơn.
Về kỹ thuật, Mạc Phương Ðình dùng chữ chân phương, không có sáo ngữ đến tối nghĩa, không làm dáng đến xa lạ, không bóng bẩy đến mơ hồ ... Thi ngữ trong thơ MPÐ có chọn lọc, gợi cảm, có nhạc tính cao. Nhưng ở trang 46 với bài Nỗi Nhớ Bên Kia, có hai câu thơ, không hiểu tác giả vô tình hay cố ý cường điệu (fantaisie) để đạt được ý cho điệp ngữ "chập chùng thuyền đi thuyền đi" mà bỏ quên luật bằng trắc cố định của hai câu thơ Lục Bát:

Thuyền ai một thuở qua sông
mắt lệ chập chùng thuyền đi thuyền đi
(nôĩ nhớ bên kia)

Trong thể thơ Lục bát, chữ thứ hai là vần bằng, có thể thay bằng vần trắc, nhưng rất gượng ép. Riêng chữ thứ tư âm cố định là vần trắc, tuỵệt đối không thể dùng vần bằng thay thế.

Về nội dung, MPÐ có cái rung động chân thật khi bày tỏ tâm sự của mình qua vần điệu. Thơ MPÐ có khi như kể chuyện, mạch lạc, đơn sơ, như trong bài "Tuổi thơ tôi" ( trang 25-27):

Riêng về mẹ, mẹ tôi hiền như đất
dẫu khi đau, môi mẹ vẫn tươi cười

Có khi tượng hình, sống động, như một đoạn văn tả cảnh:

Buổi chiều đang nghiêng xuống
chạy dài theo dòng sông
đường chân trời xa lắc
chim bay vào vô cùng
(Sau Vùng Kỷ niệm 32)

Nhìn chung, " Những Dòng Kỷ Niệm" là một tập hợp gồm 63 bài thơ. Ðó chính là 63 hồi ức về những đoạn đường và những quãng đời quá vãng còn để lại trong ký ức tác giả những dấu ấn đậm nét, những đốm lửa lập lòe và đã thành thơ khi ánh sáng từ tâm thức chiếu rọi. Ðề tài chính của tập thơ được bao trùm trong đề của sách, tóm gọn toàn bộ nội dung tác phẩm.
Cả tập thơ tác giả nói rất nhiều về kỷ niệm, về những quãng đời thơ mộng của tuổi đôi mươi, của hẹn hò, yêu thương, của những lỡ làng trắc trở.

Kỷ niệm không chỉ với tuổi học trò, tuổi yêu đương mà còn với cả con sông, ngọn núi, hàng cây, ngõ phố, con đường, mái trường xưa, người bạn cũ. Người đọc có cảm tưởng như tác giả đang trân mình trước hiện tại mà miên man với quá khứ, với dĩ vãng ngút ngàn...

Với MPÐ, thơ và bóng dáng người thơ, quá khứ vị lai, quê hương, nỗi nhớ, nỗi buồn, niềm vui sẽ mãi mãi dài theo cả một đời người:

Thơ trôi vào tâm thức
ngọt ngào như sương mai ...
quê hương cùng nỗi nhớ
trăm năm chưa tàn phai

MPÐ đã từng là một người lính Miền Nam đi đánh giặc, cho nên trên quãng đời lưu vong tỵ nạn "chuyện quê hương luôn đau xót trong lòng" mà tác giả đã thốt lên trong bài Thư Quê Hương (tr 122)

chân bước lên trong đất rộng trời cao
tình đất nước, tình quê hương ngời sáng
muời mấy năm lăn mình trong lửa đạn
cùng bạn bè đi gìn giữ non sông
trải yêu thương lên phố thị, nương đồng
đem nhân ái gội thơm tình tổ quốc
Ðã qua rồi một thời tuổi trẻ. Ðã qua rồi những dâu biển thăng trầm, giờ đây cách xa nửa vòng trái đất, MPÐ đắm chìm trong kỷ niệm, miên man nhớ về Sài Gòn, nhớ về Hà Nội, nhớ về Huế, nhớ Tam Kỳ, nhớ Thuận An...

Quê xa khắc khoải thu Hà Nội
mây nước giăng mù bao vấn vương

Hay:
Người vẽ mùa thu bằng nước mắt
bao giờ xóa được nỗi sầu chung

(nỗi sầu thu 118)
Nhận xét về thơ Mạc phương Ðình, Chu Vương Miện cho rằng: hành trình của đời người là hai bàn chân, hai cánh tay, một cái đầu, một trái tim ... và mấy bài thơ. Vậy thì hành trình của Mạc Phương Ðình đã có đủ những thứ đó; có đủ những thứ mà anh có, trong đó có mấy bài thơ sẽ được người đời gạn lọc góp vào trong gia tài chung của văn học Việt Nam.

Tôi rất vui mừng có thêm được một người bạn thơ, có thêm những thi phẩm tương đối vẹn toàn về cả hình thức lẫn nội dung trong tủ sách.

Xin cảm ơn nhà thơ MPÐ
Cảm ơn quý vị.
Song Nhị

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2008

Mấy dòng cảm nghĩ của Thái Tú Hạp

NHỮNG GIÒNG SÔNG THƠ MỘNG LẠC LOÀI TRONG THƠ MẠC PHƯƠNG ÐÌNH

THÁI TÚ HẠP

Thi ca bắt đầu từ khi có loài người. Trong những trang cổ thi đã viện dẫn: con người sinh ra vốn tĩnh, đó là tính trời. Cảm sự vật tạo nên những xúc động đó là cái dục của tính, chuyển hóa nên tư tưởng. Và cũng chính từ những tư duy phát sinh ra ngôn ngữ có tiết tấu, có âm điệu, để diễn tả gọi là thơ. Sự hình thành của thi ca là sự phát sinh của tình cảm và tư tưởng con người. Ngôn ngữ tinh lọc, cô đọng đầy nhạc tính và chuyên chở nhiều ảnh tượng. Thi ca là một nghệ thuật của siêu nghệ thuật về ngôn ngữ. 
Người xưa đốt trầm tạo cái không khí thanh khiết và trang trọng mỗi khi đọc thơ. Thi gia được xem như một á thánh mang cái thông điệp thiêng liêng của trời đất đến với nhân gian. Những thi phẩm của họ được bảo tồn và phát huy như những di sản văn hóa quý báu của nhân loại. Theo giòng thời gian, kiến thức loài người được phát triển, thăng hoa về mọi phương diện. Thời đại mê cuồng vọng ngã, viễn mơ đó đã trở thành hoang tưởng trong ý thức khai phóng hiện hữu của nhân loại. Thơ đã đi vào đời sống một cách cụ thể hơn. Và thi sĩ cũng chỉ là một người bình thường trong quần chúng.

Trải dài theo giòng văn học sử của Dân Tộc Việt Nam có hơn 4 ngàn năm đã từng chứng minh miền đất trù phú nẩy mầm muôn vạn loài hoa quý. Tiếng hát giữa rừng sâu bên giòng suối reo dưới ánh trăng vàng thơ mộng. Tiếng hát trên giòng sông hiu hắt nắng chiều. Tiếng chuông khua giữa đêm tịch lặng... Tiếng lá rơi chuyển mùa. Tiếng hơi thở của đàn nai xuống núi. Tiếng gọi nhau của nồng ấm tình yêu. Tất cả đã chuyển hóa thành thơ lưu truyền từ đời này sang đời khác trong nhân gian liên tục trong lịch sử. Mỗi người Việt là một nhà thơ. Thi nhân đông vui từ trong nước ra hải ngoại. Có lẽ sau gạo là thơ đối với người Việt Nam, sinh tố nuôi dưỡng thể xác cũng không kém cần thiết như dưỡng tố của tinh thần.
Trong một bài viết giới thiệu về thơ Mạc Phương Ðình, nhà thơ Hà Thượng Nhân đã nói: Thơ là một nghiệp, không phải là nghề. Từ xưa đến nay, từ Ðông sang Tây, thơ không bao giờ nuôi nổi người đã sản sinh ra nó. Nhưng người ta vẫn làm thơ, vẫn say mê thơ, vẫn gắn bó tận tình với thơ. Hoa không hữu dụng như hạt gạo, nhưng không có hoa thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao nhiêu... Thơ càng ngày càng nở rộ khắp nơi. Ngay trong thời Thịnh Ðường, các nhà thơ được tuyển chọn đến hơn 2.500 thi phẩm lần hồi qua vài thế kỷ chỉ còn lại khoảng 300 bài gọi là tuyệt tác (Ðường Thi Tam Bách Thủ) nhưng thử hỏi cho đến bây giờ thật sự những người còn yêu thơ Ðường chỉ còn lưu giữ loáng thoáng trong tâm hồn vài bài đáng nhớ như Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, Ðằng Vương Các của Vương Bột, Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương, Ðề Tích Sở Kiến Xứ của Thôi Hộ, Bạc Tần Hoài của Ðỗ Mục, Tĩnh Dạ Tứ và Trương Tiến Tửu của Lý Bạch...

Nhìn về văn thơ Việt Nam ngoại trừ trường hợp ngoại lệ của thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều quá tuyệt hy vọng đa số người còn nhớ đến. Ngoài ra chúng ta cũng khó mà nhớ hết những bài thơ hay của Tản Ðà, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Hàn Mạc Tử, Hồ Dzếnh, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Bùi Giáng... Cho dù thời gian là độc giả khắt khe để thẩm định giá trị tác phẩm nhưng những nhà thơ vẫn không lùi bước, vẫn cứ làm thơ như con tằm tự rút tơ lòng đến hơi thở cuối cùng, mặc cho đời hờ hững khen chê.

Trong đội ngũ thi ca người Việt lưu vong vẫn hăng hái can đảm tham gia cuộc chơi "phóng tiền qua cửa sổ" - có nhà thơ Mạc Phương Ðình - cuộc chơi mà chúng tôi hay dọa dẫm với nhau: Cơm áo không đùa với khách thơ. May mắn thay chúng ta cũng còn có khá nhiều tri âm đồng hành đi vào thế giới mộng mơ huyễn hoặc này với những đam mê đầy thú vị.Thi Phẩm "Lời Ru Của Mẹ" không còn là thế giới tâm thức riêng của Mạc Phương Ðình. Ðó là hình ảnh cưu mang từ cõi lòng thương nhớ của đa số người đồng điệu về Mẹ đang sống những tháng ngày mỏi mòn nghiệt ngã nơi quê nhà:

những dòng sông ngọt ngào thời thơ ấu
lời mẹ ru âm hưởng giữa chiều mưa...

trăm con nước trôi chìm vào dĩ vãng
sông nước nào đằm thắm nỗi cay chua
nguồn sữa mẹ như những dòng sông lớn
tắm mát cuộc đời dầu dãi nắng mưa......

dõi theo ngày tháng êm đềm
vẳng nghe tiếng mẹ ru đêm ngọt ngào...
Trong kho tàng văn học của nhân loại không thiếu những tác phẩm ca ngợi hình ảnh người Mẹ cao quý và tôn vinh Mẹ như: Mẹ là kỳ quan trong tất cả kỳ quan của loài người trên thế giới. Một số bài thơ khác trong thi tập Lời Ru Của Mẹ và Những Giòng Kỷ Niệm, Mạc Phương Ðình đã bày tỏ những nỗi niềm sâu sắc nhớ quê, nhớ bạn, nhớ đến những phút giây êm đềm thơ mộng bên người yêu dấu, mà bây giờ đã ngàn dặm chia xa.người đi bỏ lại vầng trăngnỗi cô đơn với đường gần nẻo xangùi trông khuất dải ngân hàbơ vơ từng giọt sương sa lạnh lùng...

Mỗi tác phẩm trình diện với đời dĩ nhiên qua sự thẩm định tùy theo quán tính, cảm quan và trình độ của mỗi người nhưng chúng ta hy vọng mỗi nhận xét đều là những thăng hoa.

Cái ưu điểm của Mạc Phương Ðình là người yêu thơ làm thơ, trước 75 ở quê nhà, nay ông mới trở lại hòa điệu cùng thế giới thi ca hải ngoại, nhưng ông đã tạo nên những ngạc nhiên bằng những sáng tạo bày tỏ sự chân thành, đôn hậu, những khắc khoải ưu tư cho thân phận, cho quê hương còn mang nỗi khổ đau, cho kiếp sống lạc loài, cho những đồng hương nơi viễn xứ, cho tình yêu và hạnh phúc, lúc hiện thực, lúc lãng đãng phù vân, hư ảo.

Sự chân thành của ông đã tạo những thành quả đáng kể trên thi đàn văn học hải ngoại:
mỗi giọt nắng vàng thêm rực rỡ
soi trong tiềm thức cõi vô thường...

ngày ta đi vầng trăng quay trở lại
dấu chân mờ trên cát khóc mùa đông
con chim sáo bay về vùng gió bụi
để màu trăng che khuất ngõ tương phùng
ngẩn ngơ một chút quan hoài
nẻo xa bãi cát chừng phai nhạt màu

thắp tình rọi xuống đêm sâu
người đi bỏ lại vũng sầu lặng câm...
trong dấu bước đường về qua lặng lẽ
sầu dâng lên theo mây trắng ngang đèo

ta về nghiêng mắt nhìn sông nước
tìm lại hồn xưa trong bóng em
chỉ thấy mùa thu trôi lãng đãng
bãi thu, sông biển vẫn thì thầm...

Theo tài liệu nghiên cứu sưu tầm của các nhà bác học, địa chất học và nhân chủng học thì trái đất đã hiện hữu trong vũ trụ có hơn 5 tỷ năm và con người có mặt trên quả địa cầu này hơn 2 triệu năm. Mỗi ngày từ phương đông ánh sáng thắp lên từng phút từng giây và hành tinh này xoay quanh mặt trời liên tục.

Người xưa và chúng ta bây giờ cũng nhìn thấy mây trắng thơ mộng trên bầu trời xanh. Con suối vẫn reo và cây lá vẫn lên xanh trong khu rừng mùa xuân... sự lặp lại hàng triệu năm sinh diệt vô thường. Sự trùng hợp những dấu chân trong cuộc đời cũng như sự ngẫu nhiên hạnh ngộ những ngôn ngữ thi ca trong tiềm thức cũng chỉ là chuyện bình thường.

Chúng ta bước vào cõi thơ của Mạc Phương Ðình như ngắm giòng sông tuệ giác, mênh mông soi bóng mình. Nhìn ra cái "bản lai diện mục" đã hòa tan vào cái Tâm đại ngã vô lượng. Cái tâm Bồ Ðề Bát Nhã Chân Như, thủy chung một đời phiêu bạt.
Chúng tôi chia xẻ nỗi niềm tâm sự của Mạc Phương Ðình qua "Trái Tim Vẫn Thao Thức" như ông tỏ bày: ... .

và từ đó, kỷ niệ.m bỗng hiện về, mang đầy những dấu vết ngậm ngùi. Với tôi, vẫn muốn chôn kín những kỷ niệm, những kỷ niệm vừa cay đắng, vừa ngọt ngào, vào thật sâu trong đáy tim mình, cho nó ngủ yên, nhưng... Cuộc hành trình từ Lời Ru Của Mẹ như những khởi điểm tuyệt vời của thi sĩ Mạc Phương Ðình đến Những Dòng Kỷ Niệm thì cái sâu sắc của tâm thức thoáng qua những lăng kính khói sương phai nhạt, cái nồng thắm đậm đà cũng có chút vơi tan...

Có lẽ khi Mạc Phương Ðình đối diện với ảnh tượng thực tế phũ phàng thì y như những cảm xúc của ông không còn bùng vỡ những tuệ giác sáng tạo xuất thần như khi ông đã thực thà nuôi mộng. Cái thực thể đau lòng dàn trải trước mắt đã chuyển hóa ông thành một Tô Ðông Pha của thời đại mới lưu vong, chợt tỉnh ngộ, thà đuổi theo cơn viễn mộng còn hơn trở lại quê nhà:

Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều
Vị đáo sinh bình hận bất tiêu
Ðáo đắc hoằn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều
(Tô Ðông Pha)

Mù tỏa Lô Sơn sóng Chiết Giang
Khi chưa đến đó hận muôn vàn
Ðến rồi về lại không gì lạ
Mù tỏa Lô Sơn sóng Chiết Giang...

(Thầy Mật Thể dịch)

(Bài nói chuyện của Thái Tú Hạp về thơ Mạc Phương Ðình tổ chức Chiều Chủ Nhật ngày 25-8-2002 tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt)

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2008

Mother'Day với Việt Hải

Ơn Mẹ qua thi ca Mạc Phương Đình
"Mẹ như vũ trụ bao la
Mẹ ru giấc ngủ, Mẹ là quê hương
Mẹ là suối ngọt tình thương
Mẹ như sao sáng muôn phương ngút ngàn
Nhớ Mẹ, con mãi miên man
Cầu xin Mẹ mãi bình an suốt đời

Đêm đêm con ngắm sao trời
Ngân hà tinh tú thấu lời con xin
? Mẹ là ánh sáng bình minh
Mẹ cho lẽ sống, bóng hình tương lai
Mẹ như hy vọng sớm mai
Mẹ ơi, chúc Mẹ vui ngày Mother's Day.»
(VHla, "Nhớ Mẹ")
Ngày Mother’s Day cận kề, tôi làm thơ mà nhớ Mẹ tôi hơn bao giờ hết. Người ta thường bảo ta cài hoa màu trắng khi mẹ khuất núi và giữ hoa màu hồng khi ta còn mẹ. Trong cái ý nghiã đó, tôi còn bông hồng cho bóng Mẹ tôi. Nói về chủ đề "Mẹ" trong văn chương thì quả là một đề tài rung động con tim, bao la như vũ trụ, biển cả hay trời cao. Mẹ đến với con người từ lúc ta chào đời và từ đó hình bóng mẹ mang theo trong tâm khảm chúng ta. Bỏ ra những trường hợp ngoại lệ, con người nhìn hình ảnh mẹ vốn cao quí, đáng kính yêu. Do đó ngày Vu Lan hay ngày Hiền Mẫu là dịp ta tri ân nhớ về người mẹ đáng yêu trong đời. Không phải có ngày này nhân loại mới tôn vinh hay tri ân hình ảnh Mẹ, nhưng theo phong tục mà nhiều xã hội muốn dùng móc thời gian nhắc nhớ, dù bánh xe xã hội đưa chúng ta chạy theo dòng đời sống, và trong cái vận tốc quay cuồng của xã hội nhiêu khê có thể đem chúng ta xa Mẹ trong cuộc sống.

Tôi ngó lên tờ lịch ngày 9 tháng 5 được nhà in in màu đỏ, ngày lễ Mẹ lại sắp trở về. Trong ngày này chúng ta hãy ôn lại những gì mà Mẹ đã cho ta, dù Mẹ sinh thành ra mình, Mẹ nuôi hay Mẹ vợ hoặc Mẹ chồng sẽ mang một ý nghĩa chung và kế đó người ta cũng dành ngày thiêng liêng này để tạo tiền lệ cho các con ta hướng về Mẹ chúng, tức người bạn đời tri kỷ của ta. Nói một cách tổng quát Mẹ của 2 thế hệ được xã hội, cộng đồng hay tâm tư ta chia xẻ nỗi xao xuyến chung vì cả hai bà Mẹ của thế hệ đều xứng đáng được vinh danh và tri ân trong ngày này theo một quan niệm cởi mở của ngày hôm nay. Bất giác trong ý nghĩ bâng quơ, tôi nhìn lên kệ sách bên góc phải vần «M» tôi thấy cuốn thi tập màu vàng nhạt mang tên rất âu yếm «Lời Ru Của Mẹ» (LRCM) của nhà thơ Mạc Phương Đình.

Tôi biết anh trong tình cờ, tôi quí anh vì cá tính ôn hòa, mộc mạc và thân tình. Anh tặng tôi 2 cuốn thi tập chan chứa nỗi lòng của anh, gồm "LRCM" và " Những Dòng Kỷ Niệm" (NDKN). Nếu cuốn LRCM chú trọng về bóng hình người hiền mẫu thì cuốn NDKN có nhiều thơ về thuở đi học và về tình yêu lãng mạn. Tôi thích thơ Mạc Phương Đình (MPD) như mến sự nhẹ nhàng và rung cảm tính chất thi vị dạt dào của nó. MPĐ như nhiều người bạn khác của tôi, trân trọng chia xẻ bóng hình người mẹ trong u uẩn, thương tiếc, sầu vơi, vì hoàn cảnh chiến chinh của đất nước để rồi xa mẹ thiên thu. Chính vì thế mà những dòng thơ anh làm cho mẹ anh đã khuấy động hồn tôi khi tôi đọc thơ "Mẹ" của anh. Anh vốn là người thầm lặng, kín đáo, khiêm cung, thích nếp sống chân thật và thiên về nội tâm. Có lần anh tâm sự cho tôi nghe tại sao anh dùng nhiều thơ anh cho người Mẹ hiền, tuy rất mộc mạc của đất Quảng Nam đã dầy công nuôi dưỡng anh khôn lớn. Trong cái suy tư như vậy tôi muốn ghi nhận lại những năm tháng tôi đã biết về nhà thơ này nhân mùa Lễ Mẹ về trước mặt tôi

Nơi trang đầu của thi tập LRCM là bài thơ cảm đề của nhà thơ cao niên Hà Thượng Nhân:
"... Lời ru của mẹ, lời ru ấy
Có rối cùng chăng tóc Nguyễn Du
Có những đêm trường thao thức nhớ
Lời ru còn nhớ đến bao giờ ?

Mẹ tôi mới đó không còn nữa
Sao tiếng ru kia lại bất ngờ
Xin cám ơn ai người tuổi trẻ
Nhắc nhau trên những bước bơ vơ
Rằng còn sông núi, còn quê mẹ,
Còn khói lam xanh, bóng nguyệt chờ..."
(Cám Ơn, Hà Thượng Nhân, trang 7-9)
 
Những lời thơ của Hà Tiên Sinh đọc thơ MPĐ mà chạnh lòng nhớ đến mẹ mình. Tôi hiểu tâm trạng cụ vì đọc qua thơ MPĐ, lòng tôi cũng đã dâng lên nỗi buồn nhớ mẹ tôi rất nhiều. Nói về nhạc tôi yêu bài hát "Lòng Mẹ" của nhạc sĩ Y Vân và về thơ tôi thích bài "Lời ru Của Mẹ" của MPĐ, nó là những tiếng lòng ngọt ngào như xôi nếp một, như đường mía lau cho tôi trạng thái chùn lòng và cay mắt vì nhớ đến mẹ tôi hơn bao giờ:

"Nửa khuya giọng hát nhà ai
âm ba tiếng Mẹ ru dài phố đêm
lời ru khi nổi khi chìm
mang mang hoài niệm cho tim bồi hồi
ta thầm gọi nhỏ : Mẹ ơi
tháng ngày thơ ấu đẫm lời Mẹ ru
nghe trong tiềm thức sa mù
giọng xuân đầm ấm, giọng thu dịu dàng
trưa hè giọng Mẹ nhặt khoan
đêm đông lời Mẹ như than lửa hồng..."
 
Tiếng gọi "Mẹ ơi" sao mà ngọt ngào dễ thương của thuở ban đầu thơ ấu, nó làm tôi xúc động nhớ sự bé nhỏ của ngày tấm bé chạy lăng xăng theo bên mẹ tôi. Rồi được gọi Mẹ trong sự trìu mến, gọi Mẹ trong sự nhõng nhẽo nhưng kính yêu, và gọi Mẹ trong sự âu yếm đầy luyến lưu. Để rồi khi khôn lớn ta ngại ngùng sự nhõng nhẽo của ngày xưa còn bé, ngày mẹ ru con ngủ như lửa hồng sưởi ấm mùa đông. 
"một đời thân Mẹ long đong
lời ru vẫn mãi thanh trong ngọt ngào
lời ru như giấc chiêm bao
chắp con đôi cánh bay vào tương lai
mải mê biển rộng sông dài
con đi giữ nước áo phai bụi đường
lời ru tình tự quê hương
ngợi ca quốc sử anh hùng tiền nhân
lời ru Mẹ đã bao lần
giục con tiến bước trước ngàn chông gai...

Vọng khuya nghe tiếng ru dài
Viễn phương lòng vẫn u hoài niềm đau."

Tựa đề bài thơ này được tác giả dùng làm tựa sách. Một tựa đề rung cảm tim tôi. Mẹ như biển rộng sông dài, Mẹ la` tiếng nói yêu thương ngọt ngào của mọi ngôn ngữ, mọi xã hội con người, mọi lục địa, và trong thiên nhiên nữa. Tôi nhớ đến những con kangaroo Mẹ phóng đi từng bước nhảy có đèo chú con nhỏ ở túi phía trước ngực, hay một khỉ Mẹ bắt chí cho con, một chim Mẹ mớm mồi cho chim con hay một con gà Mẹ phùng mang bảo vệ đàn con mình trước một đối thủ diều hâu hung dử,... những hình ảnh Mẹ trong thiên nhiên mà tôi cho là cao đẹp nhất trong vũ trụ ngoài đời sống con người vốn có đạo đức và văn hóa. Trở lại, Mẹ trong ý nghiã che chở quảng đại đó MPĐ còn có bài thơ là "Lời Mẹ Ru":

"lời mẹ ru theo máu chảy trong người
mãi êm ả bồng bềnh theo tuổi trẻ
những lời ru vẫn ngọt ngào sông bể
thấm vào đời đầy ắp cả buồng tim
hướng tương lai con mê mải đi tìm
và gian khổ nhọc nhằn con đã thấy
dẫu vấp ngã, con bền lòng đứng dậy..."


Mẹ dạy con đi trên đường đời, Mẹ ru con những tình tự quê hương, của non sông gấm vóc:
"... đời dạy con như lời mẹ ngày nào
chân bước lên trong đất rộng trời cao
tình đất nước, tình quê hương ngời sáng
mười mấy năm lăn mình trong lửa đạn
cùng bạn bè đi gìn giữ non sông
trải yêu thương lên phố thị, nương đồng
đem nhân ái gội thơm tình Tổ quốc...

" Khi Mẹ khuất núi, và quê Mẹ bị bỏ mất hút nơi chân trời xa xăm, lòng ai lưu luyến những lời Mẹ trao. Dù vậy, lời Mẹ ru vẫn văng vẳng lời ân tình yêu thương, lời của những bao dung và những quảng đại từ con tim:
"...Và giờ đây trên nẻo đường lưu lạc
mẹ mất rồi, con cũng mất quê hương
lời mẹ ru như nhắc nhở trong tim
dẫu thất bại vẫn bền tâm vững chí
sống vì người không vì lòng ích kỷ
và tình yêu luôn vượt thắng hung tàn...
Lời mẹ ru đầy từ ái, bao dung."
(Lời Mẹ Ru, trang 34, thi tập NDKN)

Câu thơ trên làm tôi nghẹn ngào, "mẹ mất rồi con cũng mất quê hương" làm tôi rơi lệ vì xót xa cho sự kiện trùng điệp trong cuộc sống đầy oan khiên, lệ rơi trong câu thơ vỏn vẹn 9 chữ đã chứa cả nỗi đau buồn, chứa cả một bầu trời thương nhớ của hằng triệu người con ly hương, lưu lạc nơi phương xa khi mà xa Mẹ lại đồng nghĩa với số kiếp lưu vong miên viễn, và phải chia lìa tình mẫu tử, nghiệt ngã thay đến thiên thu như tác giả. Người ta ví Mẹ là quê hương, Mẹ Việt Nam là cội nguồn của dân tộc và ý nghĩa người Mẹ Việt Nam thật thiêng liêng, bao la trong dòng huyết quản của chúng ta.

Tôi tiếp tục đọc, các bài thơ về Mẹ mà MPD sáng tác phần lớn được tìm trong sách LRCM do chủ đề mà nó mang, trừ vài bài về Mẹ lại được in trong cuốn NDKN. Mẹ ru con nồng nàn, Mẹ ru con thiết tha. Mẹ cho con bàn tay âu yếm, mềm mại dẫn dắt con qua tuổi đời niên thiếu, những ngày ấu thơ:

"ôi thần tiên đôi bàn tay mẹ,
đôi bàn tay tắm mát tuổi thơ
tay nâng bầu sữa cho con bú,
tay dắt con qua những dại khờ."
(Bàn Tay Mẹ, trang 120)

Lời ru của Mẹ ru con khôn lớn Mẹ mừng. Mẹ nuôi con bằng những tình tự quê hương. Và khi con khôn khôn lớn con như loài chim bay vào cái nguồn máy xã hội đai nghiến ngoài kia. Khi nguồn máy ấy xay nghiền con làm Mẹ đau đớn thêm. Nước mắt Mẹ hiền chan hòa khóc cả đời vì con:
"Con khôn lớn bằng lời ru của Mẹ
những lời ru thấm đẫm bốn quai nôi
Mẹ đã mất nhưng lời ru còn đó
trong tim con tha thiết đến muôn đời..."
(Con Khôn Lớn)

Dòng sông quê Mẹ tắm mát tuổi đời thơ ấu của con, những dòng sông cho gió mát tuổi xanh của con. Ôi, có những dòng sông quê Mẹ mãi mãi ngự trị trong ký ức thần tiên, tuyệt diệu của con, và chính những dòng sông đưa con thuyền về quê hương ngọt ngào của kỷ niệm êm đềm trong tâm trí, để lưu luyến mãi mãi trong con:
"Ơi trong vắt những dòng sông quê mẹ
giọt nước nào tắm mát tuổi thơ xưa
ta vùng vẫy với mây trời bãng lãng
những đêm trăng thuyền chở gió sang mùa."
(Dòng Sông Quê Mẹ, trang 24)

Gợi nhớ về quê xưa năm cũ trong ký ức của buổi phân ly khi nước nhà lịch sử sang trang, khi mà con đi tù, đời Mẹ chỉ chuốc lấy những khổ lụy, vất vã triền miên để mẹ chịu đựng khóc thầm, lòng con ray rứt, quặn thắt niềm đau nơi rừng sâu, chốn tù đày:
"mẹ nhặt gạo chừng vơi phân nửa
mấy năm qua mẹ đã khóc thầm
xưa mẹ nuôi con bằng gạo trắng,
con lớn khôn với những thăng trầm. ...
Mẹ gói trọn gian truân vất vả
mang vào thiên thu hai chữ thành tâm."
(Gian Truân Tuổi Mẹ, trang 58)

Mẹ sinh con, con chưa báo hiếu, chăm sóc Mẹ già, mà Mẹ lại mang ánh mắt u hoài, khóc lệ vì con. Gia đình mình không muốn xa nhau, Mẹ không muốn xa con, con không muốn xa Mẹ, để rồi từ nơi rừng sâu con nhoà lệ nhớ Mẹ già. Nơi quê nhà mắt Mẹ hiền nhỏ lệ vì nhớ con. Kiếp nhân sinh chỉ đem cho Mẹ nhiều phiền não, khổ lụy:
"Con đi tù, mẹ ngồi lặng lẽ
nhìn núi xa mắt mẹ rưng rưng
nỗi đau như những vòng dây trói
để bước chân con phải ngập ngừng"
(Nỗi Đau Của Mẹ, trang 34)

Mười năm đi tù đày về, hình ảnh Mẹ hiền nay thay dổi quá nhiều, Mẹ già hom hem, răng đã rụng nhiều, Mẹ cười mà hình như đã khóc... Nếu MPÐ đau xót sáng tác bài thơ cho Mẹ anh, thì trong ý nghĩ sâu kín nhất tôi như đổ lệ cho bao người Mẹ già Việt Nam đã chịu kiếp người đày đọa, Mẹ sống trong gian truân, lầm than, khổ hạnh, Mẹ chắt chiu nuôi con khôn lớn để rồi chiến tranh đem con Mẹ đi xa, lấy một phần thân thể con yêu của Mẹ đã mất đi và khi trở về với nạng chống cụt chân, hay trên xe lăn nghiệt ngã để lòng Mẹ thêm u hoài, hay tệ hơn thế nữa con của Mẹ về trong màu áo cổ quan để Mẹ Việt Nam không còn nước mắt tiễn đưa con yêu của mình. 

Mẹ Việt Nam sinh con cho cuộc chiến để mang niềm đau bất tận cho xót xa đời mình. Mẹ Việt Nam chịu thiệt thòi, gian khổ như hòn đá truân chuyên vọng người thân đứng giữa thiên nhiên khắc nghiệt nhất, Mẹ đứng giữa những oan khiên ngang trái trong cuộc sống, trong sự vô lý tột cùng đến độ tội nghiệp cho đời Mẹ. Nhiều khi Mẹ khóc chồng xông pha ngoài chiến tuyến chưa dứt và rồi lại khóc cho con nối tiếp nghiệp cha. Mẹ sinh ra đời chỉ để chịu đựng những u uẩn khổ ải dằn vật Mẹ. Mẹ biết thấu tỏ cùng ai hay chỉ ôm lấy nỗi tâm bệnh cho đời mình ? Nào ai có hay cho những nỗi oan khiên, những nỗi đoạn trường này ? Và cho đến bao giờ Mẹ Việt Nam bớt khổ hạnh trầm luân ?
"Ngày con về, mẹ già bảy tám (78)
hàm răng đen mẹ đã rụng nhiều
miệng già móm mém cừơi như khóc
tóc mẹ bây giờ đã trắng phau
mẹ đứng chờ con bên cánh cửa
cầm tay mừng chẳng nói nên câu."
(Thương Mẹ Gian Truân, trang 98)

Nếu Mẹ là dòng sữa thơm ngọt ngào hay dòng suối mát thần tiên thì MPÐ lại ví hình ảnh người cha như Vòm Cây Cổ Thụ vì Cha vốn mang vai trò là cột trụ của gia đình, thông thường người con trai lấy hình ảnh của người cha làm la bàn hay kim chỉ nam để lèo lái cho bước chân non dại của mình: 
"mẹ bảo vì con cha phải khổ
cha đau con xót cả trong lòng...
từ đó con lo chăm chỉ học
đáp đền cha mẹ những hoài mong.
Cha vẫn như vòm cây cổ thụ
suốt đời che mát bước chân con."
(Vòm Cây Cổ Thụ, trang 78)

Có lẽ không còn nỗi đau đớn nào cho người con của Mẹ, ngày về thăm Mẹ, Mẹ không còn như khi xưa. 94 năm hiện diện mang kiếp người, nay tuổi già đến với Mẹ để Mẹ không còn nghe, không còn thấy và Mẹ không còn thấy đưọc con trai Mẹ về thăm Mẹ:
"đến bên mẹ, nắm bàn tay gầy guộc
gọi mẹ ơi, nhưng mẹ chẳng còn nghe
tuổi chín bốn mắt mẹ mờ tai điếc ...

mẹ tôi đó mấy mươi năm gian khổ
vui ruộng nương chưa biết chốn kinh kỳ"

Vì tương lai con ra đi bôn ba nơi hải ngoại, bỏ lại Mẹ già ở lại quê hương để khi mỗi độ xuân về, chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều. MPĐ nhìn về quê xưa lòng thêm trăn trở, để ruột thêm đau đớn, lệ lòng buồn rơi.
"chưa trả hiếu, con làm người tỵ nạn
xa mẹ già, đứt ruột kẻ ra đi
xuân lại đến, mẹ già thêm một tuổi
hoàng hôn lên hiu hắt bóng tà huy."
(Xuân Về Thăm Mẹ, sách NDKN, trang 66)

Trong ngày Lễ Mẹ vào Chủ Nhật 9 tây tháng 5, 2004 này, VH thực hiện bài viết "Lời Ru Của Mẹ" mượn tác phẩm Mạc Phương Đình làm nền và sự đóng góp nhiều ý thơ của các nam thi nhân, vì đây là ngày cho Mẹ. Để nhớ công ơn của cha, ngày Lễ Cha vào tháng 6 VH hy vọng các nữ thi nhân xin góp thơ. Một chút đóng góp cho thi ca từ nhiều người sẽ cho thây sự đa dạng hóa từ nhiều cá nhân khi mình viết cho Cha hoặc Mẹ, những nỗi niềm thiêng liêng nhất khi hướng về các đấng sinh thành. Thay cho phần kết luận bài viết là VH xin cảm ơn tất cả bà mẹ Việt Nam trong đời sống của quá trình hình thành dân tộc Việt Nam. Đặc biệt những bà Mẹ, những người vợ của các cựu quân nhân, công cán chính VNCH bị đầy đọa trong ngục tù CSVN để tất cả đớn đau thêm, ray rứt thêm vì nỗi khổ mất mát, nhớ nhung hay chia lìa.

VH xin phép nêu lên trường hợp chị Mạc Phương Đình khi mới đến Mỹ, anh Mạc Phương Đình ngoài giờ đi làm kiếm cơm về anh nản chí, thất vọng vì cuộc sống xa quê hương buồn bã. Chị MPD bắt mạch được tâm lý chồng vì trước 1975 anh thường làm thơ. Chị khuyến klhích anh hãy trở lại làm thơ để chôn dấu nỗi sầu trong đó, để giải khuây những tồn đọng uất ức u hoài xảy ra trong cuộc đời mà không giải bày được. Những bài thơ đầu tay của anh tại hải ngoại được chị chia xẻ góp ý, và khuyến khích nâng cao tinh thần anh. Tôi không ngạc nhiên vì ngày xưa chị làm cô giáo và đánh giá cao về thú tiêu khiển văn chương. Chị khuyến khích anh ra sách để đời. Chị bắt trúng căn bệnh tâm lý của chồng làm anh trở nên yêu đời hơn và sáng tác mạnh hơn. Nếu ngạn ngữ Pháp cho là: "Đằng sau sự thành công của người ông thì có bóng dáng của người đàn bà". Vâng, trong trường hợp MPĐ quả thật đúng, vườn hoa thi ca văn học sử Việt Nam sẽ mãi mãi tri ân cái cò của thi sĩ Vị Xuyên Tú Xương, hay ngày hôm nay là vì sao nhân ái của anh MPĐ.
VH xin cám ơn tất cả những chị em hiền thê của quí văn thi hữu đi sát với phu quân để chia xẻ tâm trạng của người phối ngẩu của mình. VH xin dâng những đóa hoa hồng Mother's Day đến tất cả quí chị.

Lời sau cùng nhân ngày Mother’s Day, VH xin dâng đóa hoa hồng cho Mẹ VH vì ngày ra mắt sách VH tại nam Cali bà từ Houston bay về chia xẻ tâm tư với con trai. Con bao giờ cũng thương Má vì ngày nào Má còn sống thì trong con đóa hoa hồng đỏ vẫn còn ẩn hiện trong tim, và con không muốn đóa hồng đó nhạt màu đi nhen Má. Và cũng xin dâng một bông hồng khác cho nhạc mẫu tôi, vì bà đã cho tôi hoa hồng đỏ thứ hai trong cuộc sống.

* Ghi chú: Cám ơn anh chị Mạc Phương Đình cho thi tập "Lời Ru Của Mẹ" làm nền cho bài viết và đặc biệt cám ơn tất cả quí thi hữu đóng góp thơ cho VH viết tri ân các bà Mẹ của chúng ta, dù là Mẹ ruột, Nhạc mẫu hay Dưỡng mẫu. Happy Mother's Day 2004!!!

Việt Hải,
los angeles

TRẦN KIÊM ĐOÀN với Lời Ru Của Mẹ


ÐÔI DÒNG VỀ THI TẬP"LỜI RU CỦA MẸ"
CỦA MẠC PHƯƠNG ÐÌNH


Sacramento ngày 9 tháng 6 năm 2001

Kính anh MPĐ,

Cám ơn anh đã cho tôi được dip đọc thi phẩm Lời Ru Của Mẹ. Sách in rất đẹp, trình bày trang nhã và mỹ thuật.Anh đã chọn một đề tài sâu nặng tình cảm và đậm đà tình đất nước quê hương : đó là lời mẹ ru. Lớn lên từ trong tiếng ru của mẹ, anh trưởng thành trong tình yêu tổ quốc, dân tộc, và chan chứa với tình yêu lứa đôi trong bối cảnh cổ kính và sương khói của Huế. 
Có thể nói LRCM cũng là những trang nhật ký đầy thương yêu, đam mê của một thời để yêu; nhưng cũng đầy xót xa, buồn thương và tủi hận của một thời chiến tranh bạo liệt và hoà bình trong nước mắt.Anh đã diển đạt tâm cảm của anh và dáng vẻ cuả cuộc đời bằng một ngôn ngữ đòi hỏi không chỉ cần đến sự bay lượn của tài năng, mà còn cần đến chiều sâu của tâm hồn : đó là ngôn ngữ của thi ca.

Ngôn ngữ của thơ không phải để phân tích hay phê bình, mà để ngâm vịnh và rung động.Thơ của anh rất chân phương, giàu hình ảnh, nhạc điệu và bàng bạc hương vị của ca dao. Qua thơ anh, tôi có thể cảm nhận được vẻ trầm buồn của Huế. Trong thơ anh, hồn thơ của anh tỏa chiết tình yêu bao la của Mẹ và về Mẹ. Tình tự quê hương và nỗi lòng xa xứ của anh thể hiện dưới nhiều hoàn cảnh và qua lắm mảnh đời có lúc hiện thực, lúc phiêu lãng, nhưng kết tụ được cái Tâm nhân ái và phong thái nghệ sĩ của Anh. Trong tôi dường như có một niềm vui ấm áp và tươi mát vừa được làm quen với Anh, trong khung cảnh thế giới thơ cuả Anh.

Người nghệ sĩ vật lộn với chữ nghĩa cũng như kẻ làm xiếc trên giàn ảo thuật, sự thành công không thể cân đo đong đếm trên bàn tính hay bàn tay.Nhưng đó là năng lực tác động vào cảm quan và tâm lý hiện sinh của người đọc, người xem..

Thưa Anh, nếu thế thì anh đã thành công, vì trong đêm qua, những vần thơ của Anh đã cho tôi niềm rung động.

Xin chúc mừng Anh.

Quý mến,

Trần Kiêm Đoàn MSW.,Ph.D.


Thứ Ba, 1 tháng 1, 2008

Tôi đọc NHỮNG DÒNG KỶ NIỆM



Một nhà báo lão thành ở Texas khi được hỏi ông nghĩ thế nào về sự phát triển của thi đàn Việt Nam hải ngoại đã có lời ví von ngộ nghĩnh như sau: "Chao ơi! Bà con Việt Nam ta lúc này làm thơ nhiều quá! Nhiều như nấm rộ lên sau cơn mưa vậy!"Lời phát biểu mộc mạc chân chất ấy mới nghe tuy có hơi chói tai nhưng phản ảnh rất trung thực bộ mặt của làng thơ Việt Nam hải ngoại. Chừng như hầu hết người Việt ai cũng là thi sĩ cả. Từ một vài bài thơ, tập thơ lèo tèo của những năm cuối thập niên bảy mươi, hàng ngàn thi phẩm và thi tập đã đua nhau ra mắt người đọc trong thời gian gần đây. Nhà báo ấy quả đã không sai, "thơ nhiều như nấm sau cơn mưa".Nhưng không phải nấm nào cũng ăn được. Có cả những loại nấm độc chết người nữa. Có những loại nấm rất phổ thông, ăn được nhưng không ngon. Và cũng có những loại nấm rất quí, phải khó khăn lắm mới tìm ra được.

Nếu nói thơ là nấm thì thơ Mạc Phương Ðình ắt hẳn không thuộc hai loại nấm đầu tiên.Sau bước đầu thành công với thi tập "Lời Ru Của Mẹ" phát hành cách đây không lâu, người làm thơ xứ Quảng dễ mến ấy vừa cho ra đời một thi tập mới, với cái tựa đề cũng rất dễ thương "Những Dòng Kỷ Niệm". Sáu mươi ba bài của tập thơ này là sáu mươi ba công trình tim óc công phu mà mỗi chữ, mỗi dòng là cốt tủy, tinh hoa của người làm thơ. Thơ của Mạc Phương Ðình là cả một khung trời kỷ niệm với bàng bạc những ánh trăng vàng, khói sương lãng đãng, sông nước mịt mù. rặng dương xanh bên bờ biển vắng, quê nghèo gió mưa tuổi nhỏ, những mối tình vụng dại bồng bột thơ ngây của tuổi học trò.

Thơ anh là tích lũy của những đêm dài thao thức, những nỗi nhớ niềm thương không thốt thành lời, những bâng khuâng khi hoài nhớ về kỷ niệm một thuở xa xưa. Thơ anh có niềm vui trong nỗi buồn, có tiếng khóc trong giọng cười, có khổ đau trong hạnh phúc, có sắc trong không, có không trong sắc. Thơ anh có niềm tin và hy vọng vươn lên từ trên đổ nát, tang thương. Mỗi dòng thơ là cả một tảng văn xuôi đầy tình tiết được anh cô đọng lại, gọt dũa, uốn nắn chi ly. Mạc Phương Ðình chắc đã có lắm cuộc tình thơ ngây nhưng rất cuồng nhiệt của tuổi học trò. Vì thế, anh có khá nhiều vần thơ ghi lại kỷ niệm của những cuộc tình non trẻ ấy.

Nói đến thơ tình yêu, cố thi hào Ðinh Hùng ngày xưa đã từng viết về cái cuồng si và ngây dại của một kẻ mới yêu qua những câu thơ xuất thần như: 
"Ta gần em mê từng ngón bàn chân
Mắt nhắm lại để lòng nguôi gió bão
Ngày nay Mạc Phương Ðình cũng có những tâm tình tương tự qua cách diễn đạt khác hơn nhưng không kém phần sâu sắc:
"Chưa nắm tay nhau đã dại khờ
Sách đèn bút mực cũng bơ vơ"
(Thuở học trò, trang 31)
 
Và khi diễn tả cái đẹp của người mình yêu, anh đã vẽ ra hình tượng của một người con gái đẹp đến nỗi:

"Ðường phố cũ vai nghiêng mờ dáng liễu
Em đi qua xao xuyến cả vầng trăng"
(Tưởng như quên, trang 38)
Thơ anh chất chứa những nỗi quan hoài mà anh đã nhắc đến nhiều lần qua những câu:
"Ngẩn ngơ một chút quan hoài"
(Tìm lại mình, trang 41)
"Tay vẫn còn nhau trong gió rét
Ngẩn ngơ chùng xuống nỗi quan hoài"
(Ðêm chia tay, trang 57) và
"mong manh như dĩ vãng
mang theo niềm quan hoài"
(Thao thức, trang 42)
Trong thơ anh, tĩnh vật biến thành động vật một cách rất thơ, rất tự nhiên:
"Nhắm mắt nhưng chẳng ngủ
Nằm nghe đêm thở dài"
(trang 42)
Có phải đêm thở dài đâu? Nhưng vì đêm đã biến vào người và người đã biến vào đêm cho nên đêm, như người, thở dài. Lãng đãng đó đây trong cả tập thơ ta còn thấy anh tạo linh hồn và sự sống cho những tĩnh vật khác:
"Giọt mưa thì thầm hiên vắng
Buổi chiều ngái ngủ ngoài song"
(Chiều đông, trang 52) hay
"Cội mai già ngủ trong chiều lạnh căm
Thoảng nghe hơi gió thì thầm"
(Mùa xuân bỏ lại, trang 54,55) cũng như
"Những ngọn đèn ngái ngủ
Lạnh lùng vàng sân ga
cơn gió khuya chợt thức
Khi đoàn tàu đi qua"
(Mùi hương cũ, trang 64) 
Ngay cả nắng mưa là một thứ gì rất bình thường cũng trở nên có hồn, biết hờn, biết giận qua ngòi bút của anh:
"Buổi chiều qua nhà em
Bóng nắng như hờn dỗi"
(Qua nhà em, trang 72)
Ðến cả gỗ đá cũng bàng hoàng thảng thốt trước nét đẹp của người yêu:
"Em đi qua khung cửa lặng nghiêng nhìn"
(Dấu xưa, trang 98)
Ngòi bút điêu luyện của anh đã làm cho cảnh vật khi buồn, khi vui tùy theo tâm trạng con người: 
"Khi tôi về mùa xuân chừng đến muộn
Nắng vàng hanh chan trải lối vườn xưa
Cội mai nở mấy chùm hoa chào đón
Mái nhà bên bầy chim sẻ reo đùa"
(Xuân thăm mẹ, trang 66)
Cũng mùa xuân ấy, cũng ánh nắng ấy, cũng bầy chim sẻ ấy, nhưng bây giờ thì xuân tươi dù là xuân muộn, nắng cũng vàng nhưng chan trải niềm vui và bầy chim thì reo đùa. Bởi lòng anh đang dậy lên niềm vui của một mùa xuân về thăm mẹ. Nhưng trước đây không lâu, trong một buổi chiều đông quạnh vắng làm lòng người chùng xuống thì, lại cũng hình ảnh những con chim sẻ ấy :
"Góc nhà một con chim sẻ
Chiêm chiếp bài ca cô đơn"
(Chiều đông, trang 52)
Chú sẻ ấy chắc hẳn là buồn lắm, vì chú đang lạc bầy, làm con chim cô đơn trong một buổi chiều đông hiu quạnh. Bấy giờ thì ranh giới giữa người và chim đã nhòe đi; người như chim và chim như người vì cả hai đều thấm thía một niềm cô đơn ray rứt đến nỗi:

"Chui đầu vào vùng dĩ vãng
Vẫn còn nghe vẳng tiếng chim"
(trang 53)
Trong thơ anh, người ta thấy không thiếu gì hình ảnh những vầng trăng:
"Thơ ấu trăng về đùa trước ngõ
Lớn khôn vùng vẫy sóng ngàn khơi"
(Những dòng kỷ niệm, trang 16)
"Mê tháng tám, giậu vàng lên hoa cúc
Ðêm lồng đèn trăng chở Tết Trung Thu"
(Quê xưa, trang 19)
" Áo trắng hôm nào em gọi gió
Cho đêm thao thức ánh trăng ngà"
(Dòng lưu bút, trang 23)
"Nhìn trăng, trăng lạnh ngoài song cửa"
(Thuở học trò, trang 36)
"Trăng mười tám phía bờ sông rọi lại
Ánh trăng khuya lấp lánh nụ hôn đâu"
(Sài Gòn nỗi nhớ, trang 59)
"Ngày ta đi vầng trăng quay trở lại
Dấu chân mờ trên cát khóc mùa đông"
(Như khói như sương, trang 135)
Nỗi nhớ niềm thương của người xa xứ cũng được anh nhắc đến nhiều lần trong suốt tập Những Dòng Kỷ Niệm mà nhất là qua bài "Thư quê hương" (trang 122). Chỉ trong hai mươi sáu câu ngắn gọn, thi nhân đã nói lên được nỗi lòng của một kẻ lưu vong khi nghe nói đến những sự thật đáng buồn của quê hương bất hạnh. Nếu trước đây có người đã không ngăn được cảm xúc khi đọc những dòng thơ của Cao Tần: "Thư em đến như tên hề ốm nặng Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười" thì nay Mạc Phương Ðình sẽ làm cho người đọc thêm bồi hồi, chua xót:

"Chưa tháng chạp thư quê nhà đã tới
Cánh thư buồn như giọt nước mùa đông"
(Thư quê hương, trang 122)
Tình yêu quê hương tha thiết của anh đã thể hiện qua những câu:
"Ôi đất Quảng không năm nào không lụt
Biết khi nào trọn vẹn một mùa Xuân"
(trang 123)


và lòng thương những người bạn còn ở lại quê hương trong cảnh đói nghèo:
"Mỗi năm đều gửi chút quà Xuân
Chia xẻ niềm đau với bạn hiền"
(Bạn nghèo, trang 129)


Thơ Mạc Phương Ðình có không ít những bài đẹp tựa bức tranh. Bài "Dòng thơ cũ" là một trong những bức tranh tuyệt đẹp. Bài thơ làm người ta hình dung ra vùng kỷ niệm ngọt ngào khơi lên từ tâm thức với những ngọn nến, giọt sầu, với con đường, dòng sông, màu của đêm, dương liễu xanh, cánh én, mái tóc, vầng trăng, khoang đò...Một bài thơ khác, "Bài thơ chiều" , chỉ với 6 câu ngắn gọn, anh đã vẽ ra một bức tranh thủy mạc tuyệt vời với mây chiều trên đồi, gió khua cành lá, ráng hồng, sương mờ như khói sóng trên sông... Chỉ trong vỏn vẹn 48 chữ, anh đã làm nên một công trình mà người khác có lẽ phải cần đến hàng chục trang giấy mới diễn tả nổi. Có người cho rằng thơ với niêm luật khắt khe chỉ tổ bóp chết óc sáng tạo. Ấy chỉ là một ngụy biện để che dấu nỗi bất lực của những bài thơ xuôi, những bài thơ "tự do", hay những bài thơ lạc vận. Với Mạc Phương Ðình, anh đã cho thấy vần điệu, niêm luật chẳng những đã không bóp chết óc sáng tạo mà còn làm cho thơ anh êm ái hơn, ngọt ngào hơn. Kỹ thuật gieo vần cũng như cách dùng chữ của anh không phải ai cũng làm được. Anh dùng chữ rất tự nhiên, đơn sơ, có khi rất bình dân nhưng chính nhờ thế mà câu thơ lại trở nên dễ thương hơn, bình dị hơn:

"Mùa màng mắt trắng theo mưa lũ
Nhà cửa tềnh toang ngó thấy trời"
(Bạn nghèo, trang 128)
hay những chữ anh dùng trong câu:
"Ðường Phan Chu Trinh dọc theo quốc lộ
Phố trệt, lầu lỏi chỏi đứng nhìn nhau"
(Tam Kỳ phố nhỏ, trang 70)


Hai chữ "lỏi chỏi" trong câu này quả thật không có chữ gì thay thế được. Nó vẽ ra trong mắt người đọc hình ảnh của một khu phố rất ư... lỏi chỏi. Ðôi khi anh cũng sáng tạo ra những nhóm chữ nghe hơi lạ tai nhưng cũng rất xúc tích:


"Bé xinh xinh chỉ có một con đường
Mãi thao thiết tâm tình người viễn xứ"
(Tam Kỳ phố nhỏ, trang 71)
và những chữ như:
"Rồi mười năm vẫn chưa về được
Ðời mỏi mê đất khách quê người"
(Lỗi hẹn, trang 88)
Kể cả những chữ thật xoàng nhưng khi được anh dùng đến cũng trở nên rất sinh động và gợi hình như:


"Quê hương cào lòng nhức nhối
Tình yêu như nổi như chìm"
(Chiều đông, trang 53)
Khi muốn diễn tả nắng đổi màu, chắc có người sẽ viết " nắng vàng", "nắng úa", "nắng quái chiều hôm"...,

 nhưng anh thì lại khác. Anh viết:

"Nắng trở màu hoa, chiều xuống thấp
Lá vàng rơi đẫm những mù sương"
(Nỗi sầu thu, trang 118)
Có lúc tưởng như anh vụng về khi dùng điệp ngữ, nhưng không phải thế:


"Trong đáy mắt tình yêu còn gợn sóng
Thuyền ra khơi, gợn sóng cũng xa bờ"

 
Ở câu trên, chữ "gợn" được dùng như một thứ động từ. Ở câu dưới. anh cũng dùng lại hai chữ "gợn sóng" nhưng chữ "gợn" ở đây thì khác; nó đã được dùng như là một thứ danh từ. Vì thế, tưởng thế nhưng lại không là thế. Thơ anh không những chỉ có tranh, có nhạc mà còn có cả mùi hương. Thoang thoảng trong suốt tập thơ là những mùi hương xưa của mái tóc người yêu:


"Mái tóc ấy còn nồng hương bồ kết"
(Tấm hình ai, trang 141)
"Tóc vàng trăng, hương bồ kết thì thầm"
(Dòng thơ cũ, trang 45)
và xen giữa hương người là hương hoa, hương trời đất, hương thiên nhiên:


"Hoa sen nở, chiều Tịnh Tâm lặng lẽ
Hương ngọt ngào gội xuống tóc em xanh"
(Dấu xưa, trang 99)

Những nét đẹp trong thơ Mạc Phương Ðình cũng như kỹ thuật điêu luyện của anh thiết tưởng viết nguyên một quyển sách vẫn chưa đủ. Thi tập Những Dòng Kỷ Niệm quả đã là đôi hia bảy dặm đưa anh đi những bước vượt bực trên thi đàn Việt Nam hải ngoại. Còn nhớ năm nào trước khi cho ra đời thi tập "Lời Ru Của Mẹ", có lần anh đã nói" Tôi là một người làm thơ còn trong bóng tối". Câu nói ấy chỉ nói lên đức tính khiêm nhường của anh, một người làm thơ có chân tài. Bởi lẽ, cho dù anh có thực sự muốn ở mãi trong bóng tối cũng không được ,vì thơ anh tự nó đã là những vầng hào quang đầy ánh sáng.

Vũ Ðình Trường
Virginia, 5/2002