Thứ Năm, 7 tháng 2, 2008

Những Dòng Thơ đầy Ấn Tượng

Trần Quân

Tôi vốn là người thích thơ, nên khi đọc được những bài thơ tâm đắc, lòng thấy lâng lâng, sảng khoái, muốn đọc lên cho nhiều người nghe, để họ cùng thưởng thức, cùng chia xẻ với tác giả những ẩn ức, những băn khoăn, những chắt chiu tìm tòi chữ nghĩa, những cách bày tỏ tuyệt vời…mà mình là người đọc, nếu không nói lên, không viết ra, hoá ra mình là kẻ vô tình trước những tác phẩm mang đầy dấu ấn của trái tim, khối óc của người làm thơ, với bao tháng ngày cưu mang để sáng tạo…,

Nhưng bây giờ tuổi đã già, sống nơi vùng quê sâu, thiếu bạn văn chương, để đọc cho họ cùng nghe.., nên tôi nghĩ mình nên viết. Viết để gửi đến tác giả, đến bạn bè, để bày tỏ những ý nghĩ thô thiển của riêng mình, như một lời cám ơn, cám ơn những dòng chữ nghĩa đã đi, đã thấm sâu vào lòng tôi, mát rượi như dòng suối quê hương, chảy xuống trong hồn, làm trôi hết những âu lo, mệt mỏi trong dòng đời đầy sân hận nầy.

Hôm nay tôi viết về thơ Mạc Phương Ðình, một nhà thơ xứ Quảng mà tôi quen biết, nhưng xa cách nhau đã mấy chục năm, bây giờ anh đang ở phương trời xa, nhưng được đọc thơ anh từ những tình cờ của cuộc đời, để thấy anh vẫn như gần gũi với mình,, qua những dòng thơ dắt nhau về quá khứ, dắt nhau quay lại thời thanh xuân, với tuổi trẻ ngọt ngào, bằng tình yêu đất nước quê hương, chan hoà với lòng nhân ái của con người về mẹ cha, về bạn bè và người bạn đời, cùng những mối tình thênh thang, nhẹ nhàng trôi về nguồn cội, thoảng chút hương thơm, như mùi hoa ngọc lan theo gió, gửi tặng chút tinh khiết cho muôn loài giữa chốn thiên nhiên.

Tôi không nói về tập thơ “ Lời Ru Của Mẹ” in trong năm 2001, vì trong cuốn “Những Dòng Kỷ Niệm” in năm 2002 có in kèm theo ý kiến khen tặng của người đọc về cuốn thơ này rồi, trong đó Lam Ðiền Nguyễn hữu Thử đã viết “…xin bái phục anh về kỷ lục làm thơ, vì chỉ trong một thời gian ngắn mà anh đã sáng tác khá nhiều thơ, trong lúc sống ở Mỹ thời gian rất quý..”

Về nội dung thi tập này, thì chỉ cần đọc hai câu thơ của cụ Hà Thượng Nhân :
“đêm nay gối sách kê đầu ngủ
tưởng gối tình nhau thuở học trò..”
là đủ nói lên những ưu ái mà cụ Hà đã dành cho tác giả một cuốn sách mới chuẩn bị trình làng.

Phần tôi, sau khi đọc hết tập thơ thứ nhì của anh, cuốn “Những Dòng Kỷ Niệm”, với những bài thơ thật trữ tình, cùng những lời khen tặng không quá đáng, của những độc giả đã đọc tập Lời Ru Của Mẹ, tôi phát hiện ra một bài thơ năm chữ thật đặc biệt trong tập thơ này, bài thơ mang thật nhiều ấn tượng, hàm chứa thật nhiều cảm xúc, những cảm xúc nhẹ nhàng, ngọt ngào, gần gũi với đời sống,. . . đó là bài “Hương tình” :

“Ánh trăng dừng trước cửa
ngọn gió đẩy then cài
mùi hương lan rất nhẹ
thấm qua làn mơ phai
nụ hôn bùng ngọn lửa
rồng rắn đôi vòng tay
nồng nàn chút hơi thở
cảm xúc đầy rượu cay
màu trăng bỗng rực rỡ
ấm lên niềm u hoài
gió khuya ru từng nhịp
trời đất vào cơn say
tiếng con dế rên rỉ
vẳng lên từ hiên ngoài
ánh trăng luồn qua cửa
đẩy gió qua hàng cây
bóng tối chợt trở giấc
hương tình yêu lan đầy…

Bài thơ ngắn, nhưng mang đầy những hình tượng.Tác giả đã sử dụng một bút pháp thật kín đáo, linh động và đầy ẩn dụ. Chất liệu của bài thơ là trăng, là gió, là nụ hôn, vòng tay, hơi thở, nhịp ru, khuya, bóng tối trở giấc…để rồi đi đến tột đỉnh cảm xúc : “hương tình yêu lan đầy..”

Theo Ðông phương, trăng và gió tượng trưng cho tình yêu lãng mạn, trong bài này trăng, gió như hành động thay cho nhân vật. Trăng dừng trước cửa, gió đẩy then cài, tiếp theo là mùi hương lan rất nhẹ. Mùi hương thật quyến rủ, thấm nhanh qua khướu giác, làm bung lên nụ hôn say đắm. Rồi trời đất như chìm vào cơn mê. Bây giờ, chỉ còn điệu gió khuya ru từng nhịp, và tiếng con dế rên rỉ từ hiên ngoài.

Ðêm nay tiếng con dế sao nghe như tiếng reo vui của hoan lạc, của hạnh phúc. Vào lúc này, trăng gió dường như cũng tò mò, sôi nổi, gấp gáp. Trăng bèn luồn qua cửa sổ và gió như bị xô đẩy ra, để riêng cho một mình trăng thưởng ngoạn, một quang cảnh đê mê thầm lắng, du dương, mơ màng, phiêu diễu…

Bài thơ thực súc tích, lời ít, ý nhiều, kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Ðúng là đã lâu lắm tôi mới được thưởng thức một bài thơ hay như thế. Thời tiền chiến Hàn Mạc Tử cũng có nhiều bài thơ tạo những ấn tượng tuyệt diệu. Ðọc bài thơ của MPÐ ngày nay làm tôi liên tưởng đến đêm Trương quân Thụy gặp Thôi Oanh Oanh trong Tây Sương Ký. Cũng mở đầu bằng một đêm trăng ở mái tây chùa Phổ Cứu, mà qua bút pháp phiên dịch của Nhượng Tống một thời làm say mê người đọc.

Ðầu năm nay, nhân chuyến về Saigon khám bệnh, tôi nhìn thấy nơi bàn nhà anh Lê Duy Nghĩa tập thơ mới nhất của Mạc Phương Ðình, nên xin được mượn mang lên rừng để ngâm nga cùng ngày tháng. Rất mừng thấy tập thơ Ru Người Ru Ðời cuả Anh quả đã cuốn hút tôi thật sự, mở đầu là nhữngvần thơ như tiếng đàn tri kỷ :

“Ba mươi năm thắp tình soi mộng
để bẽ bàng trong mỗi bước chân
ai hiểu được con tim bé nhỏ
dành cho em dù có muộn màng”..
(Cho một nụ cười)
“Ngang hiên nhà tình cờ buổi sáng
em đi qua gởi tặng nụ cười
mắt vương vấn chút sầu lãng đãng
ta về thắp lại tuổi đôi mươi…”
. . . . . .
Em đi qua như người khách lạ
sao mĩm cười cho hồn ta đau
ta tưởng như tim giờ hoá đá
đâu biết em gieo một nụ sầu..”
(Nụ tình sầu)


Tư tưởng Tây phương có câu “sắc đẹp là quyền lực, một cái mĩm cười là lưởi gươm của nó vậy” (Beauty is power, a smile is its sword), Không sao cả, nhà thơ Bùi Giáng đã viết :
“ Còn ở lại một ngày, còn yêu mãi
Còn một đêm, còn thở dưới trăng sao
Thì cánh bướm còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiểng chân cao..”
(Phụng hiến – Mưa Nguồn)
Với MPÐ thì :
“ Em đi con bướm buồn ngơ ngác
dáng đứng sầu xưa nhánh liễu gầy
xa vắng màu trời đang ngã xuống
cỏ non mềm mại khép đôi tay..”
(Thì thầm)
Con bướm, nhánh liểu, mầu trời và đến cả cỏ non cũng phải buồn đến phải “khép đôi tay” thì ta, con người còn buồn hơn biết bao nhiêu. Cách “mượn mây vẽ trăng’ đúng là súc tích, thâm thúy, nhiều ấn tượng.

“em là nắng, là mưa hay là gió
là ánh trăng hay đốm lửa đêm sao
là cỏ thơm, hay lộc non mới nở
mà bỗng dưng anh ngào ngạt hoa đào
. . . .
Nắng bỡ ngỡ rót buồn trên mái tóc
sợi mai xưa lấp lánh chút tà huy…
….
ngọt môi anh cắn vỡ trái xuân thì.
. . . .
Em nhật nguyệt giấu mình mơn mởn nở
để hồn anh say khướt cả đêm nay.
(Khám phá)

Sự « khám phá »đã đưa thi nhân vào một thế giới lung linh nửa mộng, nửa thực, đến nổi ta không còn phân biệt được em là nắng, là mưa, hay là gió, là trăng, là cỏ thơm hay lộc non mới nở.
Sao đêm nay màu sắc và hương thơm nhiều quá. Lộc non và trái xuân hơ hớ phơi mở. Ta nghe sắc xuân căng đầy, lộc non tràn lấn. Tiếng yêu em rạo rực. Nước cuồn cuộn chân cầu. Và vầng nhật nguyệt lâu nay vốn xa vời thăm thẳm, vốn ngăn cách, giấu mình, nay bỗng hiển hiện với tất cả huy hoàng mơn mởn, như đoá hoa đào ngào ngạt đêm xuân.

Tác giả dùng nhiều hình ảnh khá quen thuộc, nhưng chữ nghĩa thì thật tân kỳ. Với tâm hồn phong phú, cùng ngọn bút tài hoa của Mạc Phương Ðình, những gì xưa cũ, tầm thường bỗng trở nên diễm lệ, thanh tân, linh động. Anh đã đưa ta vào bến xuân trên con thuyền chở đầy đào tiên và rượu mật.


Về thơ lục bát, qua ba tập thơ Lời Ru Của Mẹ, Những Dòng Kỷ Niệm và Ru Người Ru Ðời, Mạc Phương Ðình càng đi càng lên cao hơn. Thơ anh càng lúc càng ý vị, càng quyến rũ và điêu luyện hơn. Thơ lục bát là thể thơ dễ làm nhưng rất khó thành công, Xin đơn cử vài bài xuất sắc :
« Ơ kìa con én bay ngang
Mùa Xuân đi mất Hè sang lâu rồi
Tôi ngồi đếm nỗi buồn tôi
Mùa thu về ngõ chân trời hoàng hôn
Nuôi chi cho lắm nỗi buồn
Nhìn trăng khuyết tật giữ hồn đong đưa
Muốn, không thu sắp về, mưa
Giậu bên hoa cúc sầu chưa đủ vàng
Con chim bỏ ngủ bên ngàn
Bỏ đêm hiu hắt trôi ngang một mình
Nỗi buồn trôi với lênh đênh.
(Chờ thu)

Chiều lên nhổ gió lên theo
Bước chân gõ phố đèn treo lối vào
Xa còn chút nắng xanh xao
Ta đi tìm mảnh hư hao gọi người
Chợt như có thoáng buồn vui
Áo ai trắng quá cuối trời đã thu
Hắt hiu lòng bỗng sương mù
Cựa mình lau lách hoang vu trở về
Xưa còn bóng nguyệt nghiêng che
Ai đem vất giữa bộn bề nỗi đau
Không dưng nước bỏ giang đầu
Ðể con cá bỏ dỏng sâu về ngàn
Một mình đi với lang thang
Buổi chiều áo trắng vẽ hoàng hôn xưa.
Lá thu chưa rụng cuối mùa
Vàng theo nhân ảnh nhặt thưa với chiều.
(Chiều xa)

Hai bài trong những bài lục bát của anh như cắm một dấu mốc cao về nghệ thuật làm thơ sáu tám. Có thể nói những bài thơ này đẹp một cách hoàn hão về ngôn từ, vần điệu, hình ảnh, và nhất là sự trang trọng trong cung cách diễn đạt.

Cám ơn anh Mạc Phương Ðình đã gửi cho chúng tôi những vần thơ long lanh như tơ như lụa, từ những nặng nợ con tằm nhả tơ, những sợi tơ mong manh óng ả, không những đẹp cho đời ngắm nhìn, mà còn mênh mông những dịu dàng tác động lên tâm hồn người đọc, làm tan vợi đi những khổ đau, mà loài người phải gánh chịu trong cõi sống ô trọc này.

Rừng Long Tân, Bình Dương, Hè 2006

TRẦN QUÂN