Thứ Ba, 22 tháng 1, 2008

Lam Điền viết về Lời Ru Của Mẹ

Lam-Điền Nguyên-Thử

( Bài viết nguyên là một lá thư của anh Nguyễn hữu Thử, cựu Sĩ quan CTCT ĐàLat cũng là một nhà thơ xứ Quảng, bút hiệu Lam Điền NT, đã xuất bản tập Lời Ru Tình năm 1970 cùng với Trần Yên Hoà, đã gởi cho tác giả MPĐ sau khi đọc Lời Ru Của Mẹ)

Anh MPĐ,
Tôi đã nhận được tập thơ anh tặng đúng vào dịp tôi có 10 ngày vacation, vì thế tôi có thời gian để đọc thơ anh (nghĩa là đọc nhiều lần và đọc rất kỹ theo nhiều cách).
Trước hết, xin chúc mừng anh đã làm được một việc đáng làm. Và cũng xin bái phục anh về kỹ lục làm thơ, chỉ trong một thời gian ngắn mà anh đã sáng tác khá nhiều thơ (trong lúc ...ở Mỹ thời gian rất quí). Dĩ nhiên đây là những bài chọn lọc, phần chủ yếu là viết về Mẹ, về quê hương, cho gia đình và bạn bè.


Cụ Hà Thượng Nhân cám ơn anh là phải, bởi anh đã nhắc lại những điều mà nhiều người hầu như lãng quên (trong đó có cả cụ HTN?) Sau năm l975, con người thay đổi một cách kỳ quái, những người ra đi lại mang thêm cho họ những ý tưởng quái dị, của những con người đang tiến dần đến bên bờ vực của vị kỹ, và trở thành vong ân, bội nghĩa. Tập thơ của anh đã làm sống lại một phần nào đó những ý thức bị chôn sống, hay bị chết yểu từ thơ ca Việt Nam từ lâu.
Thành thực mà nói, anh là người có tài, có thực tài trong các thể thơ 5 chữ và 6 chữ. Như bài Dĩ vãng, đầu anh dùng đơn vận nhưng toàn bài tròn trịa, sâu và buồn., âm điệu nhẹ nhàng và thanh thoát nhất trong số 64 bài anh đã in. Bài Người Về cũng thế. Hai bài này đã biến thành nhạc, chứ không còn là thơ nữa. Đó là tôi chưa nói đến bài Tình cờ, bài Tình cờ mang rất nhiều nét mới lạ, . Có lúc tôi đã thử sắp xếp lại những câu thơ ấy bằng những vị trí khác nhau, tôi có được nhiều bài thơ khác vẫn hay như thường. Điều này có thể thực hiện được trong nhiều bài khác nữa, từng hai câu như bài Nuối Tiếc hoặc bài Mùa Xuân quê Người. Trong cả hai bài thơ này mang tính cách câu từng cặp độc lập. Đó là một nhược điểm làm cho bài thơ chỉ hay từng câu chứ không thể hay toàn bài được.
 
Riêng bài Gởi Về Em thì thật là tuyệt vời. Và nếu tôi không lầm thì bài thơ này rất ngoại lệ, nghĩa là không phải anh làm nó ở Mỹ- vì nếu thế thì nó trở thành không hay nữa- Cô Huệ Thu (?) cũng có đề cập đến bài này, nhưng có thể chưa phải là khám phá ra cái sâu sắc nhất của bài thơ :


Hoa có nở phía bên trời xa ấy
đời gian nan em chân yếu tay mềm
anh một khó, em trăm lần khổ nhọc..
sách đèn xưa xiêu lạc ngỏ qua thềm..

 
Tôi sắp xếp lại bốn câu theo kiểu ấy, khi tôi đọc lại thấy nó đi ngay vào tim tôi, và giữ nguyên trạng thái nghèn nghẹn rất lâu - đó là điều kỳ lạ - nó buộc tôi nhớ lại mấy câu thơ cuả L.D.N : Có khổ nghèo chi em chẳng sợ, cái chi anh dặn cũng vâng lờI, có điều anh bảo đừng thương nhớ, đừng khóc vì anh..em chịu thôi.
Anh MPĐ à, Ngoài bài Gởi về Em, còn một bài nữa mà tôi cho là tuyệt tác, vì nó hợp với lối làm thơ của tôi, đó là bài Một Góc Quê Hương. Anh biết không, tôi đọc một hơi từ đầu cho đến câu : Ơi Việt Nam yêu dấu ở đây rồi. Đó là một câu thơ nặng hàng ngàn tấn, ập xuống như một quả bom sáng, làm cho bài thơ rực rỡ hơn, huy hoàng hơn.và chỉ cần một câu thơ đó đủ chứng tỏ tài năng của anh rồi. Và cũng chính bài thơ này đã nâng giá trị tập thơ của anh lên một bậc (mà theo tôi nghĩ ít ngườI thấy). Và cũng chính bài thơ này đã làm khổ anh đấy., nếu anh đọc sau đó là bài thơ Ru Em.. Bài Ru Em đã bị hai bài Gởi Về Em và bài Một Góc Quê Hương đè bẹp- bởi hầu như nó chẳng nói thêm được gì, đó là chưa nói đến những ý trùng lặp liên tiếp trong bài này, thậm chí thừa cả bốn câu sau cùng.


Riêng mấy bài anh viết về Mẹ thì thật là cảm động. Dĩ nhiên đó là cốt lõi của tập thơ. Nhân đây tôi cũng xin hỏi ý kiến anh, nhân ngày Vu Lan tôi muốn xin trích đăng một số bài cho tờ báo mà tôi phụ trách (Báo của Nhà Chùa Kỷ niệm
Vu Lan Báo Hiếu). Đó là các bài như Gian Truân Tuổi Mẹ, Bàn Tay Mẹ..Vòm cây Cổ Thụ..Thương Mẹ Gian Truân - viết đến đây tôi bỗng nhớ đến câu :

Răng mẹ rụng, ngô khoai sượng cứng
Nghĩ thương con mẹ cũng gắng nhai
Nếu trích đăng, tôi xin sửa hai chữ., đó là Ngô tôi sẽ đổi thành Bắp hoặc Sắn, và chữ Gắng đổi lại là Rán cho nó có giọng điệu Quảng Nam một chút, anh đồng ý không? Theo tôi nghĩ cái rất nhỏ như rứa mà cần ghê lắm. Bơỉ toàn tập thơ cuả anh, anh đã cố tình (hay vô tình) xa lánh những cụm từ đất Quảng. Phải chi nó được rót vài câu ca dao Quảng Nam vào bài thơ Lời Ru Của Mẹ, phải chi anh thay con chim Nhạn thành con chim Én..Những bài lục bát tốc độ lai nhanh xa hẳn tiếng à ơ, à ời..chiều chiều lại nhớ... Đó là vài điều tôi thấy hơi tiếc tiếc, thế thôi, nhưng lẽ naò không quan trọng?

Về thơ lục bát, có lẽ bài Đêm nghe Sóng Vỗ là bài lục bát tròn trịa nhất, nó vượt cao hơn bài Lá Sầu Đông, bởi Lá Sầu Đông đang hay, bỗng dưng bị chận lại bởi hai câu thơ trống rổng : Lạc bầy con nhạn bơ vơ, ai đem ngày tháng vào thơ dịu dàng..Đúng là hai câu đó làm hại cả bài thơ. Nếu anh có cách bỏ nó đi trong lần tái bản, thì tốt hơn.


Có lẽ vì tôi quá khe khắt với một số từ cũng có, hay tôi ghét chữ Con Nhạn không biết? Bởi nó là một từ cỗ,. nhưng người làm thơ cũng chẳng mấy ai tránh được những từ cỗ đâu, bởi nó bị trói buộc bởi niêm luật, âm và vận. Thế mà cũng có lắm người làm thơ lại thích dùng những cụm từ, hoặc danh, tính từ triết học, hoặc sáo ngữ, làm cho câu thơ thêm âm u, khó hiểu. Đó là cách làm thơ theo lý trí, không còn là thơ tình cảm nữa.

Thành thật mà nói., tôi cố gắng Vạch lá Tìm sâu, Bới lông Tìm vết trong thơ anh- vì biết rằng chỗ anh anh em với nhau, không nên khen chê một cách bừa bãi, và cũng biết rằng anh không tự ái khi tôi nói thẳng những gì tôi nghĩ - Dĩ nhiên là tôi cũng có cái sai- vì chúng ta dều cùng muốn tiến bộ. Tuy nhiên khi đọc lại bài Thơ Xuân Lạc Vận thì tôi lại hiểu ra, từ nỗi nhớ xa xôi của âm vận từ bà Huyện Thanh Quan trải dài đến Nguyễn khắc Hiếu và kéo lê qua suốt những âm vận của thập niên 1960-1970. Thơ như thế không còn là thơ xuân nữa mà nó đã lạc qua mùa thu, đúng lại giữa mùa đông đôi chút rồi quay về mùa thu. Chính là thơ đã dẩn mùa Xuân đi lạc, không còn là thơ xuân nữa. Chính cái rắc rối mù mờ đó mà tác giả cũng chẳng biết phải giải quyết ra sao nữa.. Mùa đông trên mái tóc và tai nghe văng vẳng tiếng pháo xuân từ một quá khứ nào đó buồn như giọt lệ nến..

Còn một cụm từ nữa mà tôi thấy anh hay dùng, đó là Nhịp đập con tim ;ở trong các bài : Tình như trái đắng, Soi bóng đường về, Tìm ta trong mắt Em..hoặc một số câu như : Vỗ giấc cô miên, vỗ giấc miên trường, vỗ giấc chiêm bao.. những cụm từ này thường gặp trong thơ xuất bản trong khoảng 1960-1972..
Về niêm luật, thật sự mà nói anh quá khắt khe với niêm luật và vần điệu. Chính vì thế nên anh tìm vần rất khó, rất khổ, mà còn khó nói lên được hết ý mình. Hầu hết những bài thơ của anh (loại 7 chữ và 8 chữ) đều gò vào độc vận., đến nổi có nhiều khi gần cuối bài thấy đuối sức phải chuyển sang một vận khác. Tôi ít thấy có một tác giả nào tự gò bó mình theo kiểu đó, bởi vì đó là một thiệt thòi lớn cho thi sĩ. Ví dụ bài Lặng Lẽ Thơ Người, anh chỉ sử dụng độc vận ao, trong khi đó anh có thê dùng au, âu để cho dễ và thoáng hơn, người ngâm thơ cũng rất dễ chán khi ngâm các bài thơ này. Bài Tam Kỳ trong Thao Thức cũng rứa.
Nhưng cũng chính nhờ lối thơ độc vận này, tôi lại khám phá ra một điều thú vị nữa, đó là trong bài Xuân Tha Hương nó ẩn chứa một bài thơ Đường :


Lại một mùa xuân nữa đến rồi
Tuổi đời chồng chất tóc pha vôi
Công danh chôn chặt cùng năm tháng
Sự nghiệp đành buông theo nước trôi
Rượu thấm thêm đau niềm cố quốc
Gương soi mờ nhạt kiếp con người
Long đong tự buổi lìa quê mẹ
Ôm mối sầu xuân mãi chẳng nguôi..



Đấy, một bài thơ Đường hẳn hoi, mở, kết chắc nịch, chỉ có phần đối chưa thật chỉnh. Sửa lại chút xíu là đẹp.
Riêng đọc bài Vùng Trời Hoa Niên của anh cảm thấy có chút gì đó phảng phất giống như bài thơ Đường Hoang Đường Tương Tư của tôi làm năm 1965 và đã in trong tập Lời Ru Tình xuất bản năm l970 tại Sàgòn. Tôi xin chép lại vài đoạn để anh xem thử nó giống nhau ở chỗ nao :


Tóc mới xuân -mà mắt đã thu
Cành non chưa dám hẹn sương mù
Em đi sách vở hờn tay yếu
Tình đã chung- sao sầu vẫn tư

Em về Đại lộc mùa hoa phượng
Giờ chắc Nam trân cũng chín vàng
Chắc em vui lắm- em buồn lắm
đâu biết anh nhìn mấy nẻo hoang

Mấy nẻo đưa em- mấy nẻo chờ
đường xa khéo vấp nắng vương tơ
Guốc cao đau dưới bàn chân nhỏ
Em bước bao giờ hết tuổi thơ

Bóng đổ xiêu và áo trắng bay
Ô hay.. ờ nhỉ mù sương cay
Em đi hun hút vùng mây khói
Nhớ bấy nhiêu- sao mình đã gầy..

Còn một điều nữa và cũng là điều hết sức cần thiết không thể thiếu được (thế nhưng anh đã thiếu trong tập thơ nầy !), đó là thời điểm của mỗi bài thơ được sáng tác. Mỗi bài thơ, thi sĩ phải để lại một dấu ấn thời gian, bởi thi sĩ là chứng nhân lương tri của lịch sử..Nhân tiện đây, tôi cũng muốn hỏi nhỏ anh một điều : Sao trong tập thơ nào thiếu vắng những bài thơ tình của anh vậy? Hay anh để dành lại cho tập Những Dòng Kỷ Niệm mà anh sẽ cho in tiếp sắp tới?

Những bài thơ tình thường là những tác phẩm của thời còn trẻ, với những rung động thực, không giả tạo, hy vọng sẽ được đọc những bài thơ thật dễ thương cuả anh về tình yêu trong Những Dòng Kỷ Niệm
. Với tập thơ đầu xuất bản ỏ hải ngoại, theo như Cô Huệ Thu nhận xét (mà tôi cũng đồng ý như vậy)anh đã dành được cho mình một chỗ ngồi xứng đáng một cách khiêm tốn


Xin chúc mừng anh.

Charlotte, jul 22-01
Lam Điền Nguyên Thử
Hình buổi ra mắt sách của MPĐ, tháng 10/2005 tại San José, California

Không có nhận xét nào: