Thứ Tư, 16 tháng 1, 2008

Lời phát biểu của Nhà Thơ Song Nhị

Kính thưa quý niên trưởng,
Kính thưa quý văn thi hữu
Thưa các bạn,

Vừa rồi niên trưởng HTN đã giới thiệu thi phẩm Lời Ru Của Mẹ của MPÐ với nhiều nhận xét xác đáng. Tôi hân hạnh được tác giả ủy thác đọc và giới thiệu thi tập Những Dòng Kỷ Niệm, tập thơ vừa được ấn hành trong tháng 6 này. 
Ðã có nhiều người nói và nhiều người viết về thơ Mạc Phương Ðình, mặc dù đây là lần đầu tiên anh ra mắt sách. Cũng có nhiều người tưởng rằng Mạc Phương Ðình mới làm thơ và mới vừa xuất hiện trên thi đàn hải ngoại. Theo tôi biết Mạc Phương Ðình làm thơ từ rất lâu, từ hồi còn trẻ, từ lúc đang học trung học.
Thơ Mạc Phương Ðình đã từng đăng trên tạp chí Bách Khoa và một số tờ báo khác tại Sài Gòn trước năm 1975. Nhưng đã hơn 20 năm tác giả "tuyệt tích giang hồ" cho đến một lúc, khi bắt đầu luống tuổi, cuốn phim đời bỗng nhiên chiếu rọi, quá khứ hiện về, kỷ niệm trùng trùng như từng đợt sóng nhấp nhô chờn vờn trong ký ức và bấy giờ THƠ như một giải cứu những u ẩn, trầm mặc tích tụ trong tâm hồn ...

Từ đó nhà thơ trở về với nghiệp dĩ và từ đó Mạc Phương Ðình trở lại với thơ, để trong một thời gian ngắn tác giả đã cho trình làng hai thi phẩm cùng một lúc. Thơ Mạc Phương Ðình hiện diện lâu nay khắp nơi trên các tạp chí, trên sách báo hải ngoại, trên mạng lưới toàn cầu, đặc biệt hiện diện trong sự chú ý và cảm tình của giới yêu thơ.

Nhiều người đã viết, đã nói về thơ Mạc Phương Ðình. Nếu đúc kết hết những nhận xét của Tràm Cà Mau, của Huệ Thu, của Chu Vương Miện, của Nguyễn Tường Bá, của Lê Duy, của Ðỗ Tiến Ðức, của Thanh Thương Hoàng của Trần Kiêm Ðoàn; và bài tựa của niên trưởng Hà Thượng Nhân v.v thì chúng ta có thể kết luận Mạc Phương Ðình đích thực là một nhà thơ chính danh, không mạo nhận.

Theo tôi tác giả là một người đã sống, đã viết, đã dấn thân trong trường đời cũng như trong trong trường văn, đã thành nhân và đã thành danh với chữ nghĩa. Có nhiều ý kiến cho rằng trong số hàng ngàn người làm thơ, tìm được một thi sĩ không phải là dễ. Trong số hàng ngàn bài thơ của một thi sĩ, may ra cũng chỉ tìm được mấy bài hay. Trong số mấy bài thơ hay đó gạn lọc lại cũng chỉ có được mấy câu thơ hay.
Theo tôi nhận xét này nghe ra có vẻ quá khắt khe, quá khó tánh, nhưng đó là một thực tế, đó là một chắt lọc để tìm đến cái tuyệt đỉnh của nghệ thuật thi vị. Cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, một tài hoa của Văn Học miền Nam trước năm 1975 có những câu thơ trong số hàng chục ngàn câu thơ của Vũ tiên sinh được nhiều người nhắc nhở:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Ðời vắng em rồi say với ai
( Say Với Ai trong Thơ Mây 1943)

hoặc:

Là thôi! Gái thị thành kiêu bạc
Ðã ấm giàu sang lạnh ước nguyền
(Ấm Lạnh - Trời Một Phương 1962)

Hoặc như thi sĩ Bàng Bá Lân có hai câu thơ mà nhiều người vẫn ngỡ là ca dao:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Mạc phương Ðình cũng có những câu thơ thật đáng giá:
Ta về nghiêng mắt nhìn sông nước
Tìm lại hồn xưa trong bóng em

Tôi đồng ý với Tràm cà Mau khi anh cho hai câu thơ sau đây của Mạc Phương Ðình là tuyệt diệu, bởi có một cái gì đó rất tượng hình, rất gợi cảm, rất gần gũi và rất đáng yêu:

Miệng già móm mém cười như khóc
Tóc mẹ bây giờ đã trắng phau
Và trong hai câu:
Ngẩn ngơ một chút quan hoài
nẻo xa bãi cát chừng phai nhạt màu

cũng thật là hay, nhưng chữ "chút" làm giảm bớt đi cái mênh mang bất tận của "nẻo xa bãi cát". Giá như tác giả thay chữ "chút" bằng chữ "cõi" hay chữ "nỗi", hay một chữ nào đó thì có lẽ người đọc cảm thấy "ngẩn ngơ"hơn.
Về kỹ thuật, Mạc Phương Ðình dùng chữ chân phương, không có sáo ngữ đến tối nghĩa, không làm dáng đến xa lạ, không bóng bẩy đến mơ hồ ... Thi ngữ trong thơ MPÐ có chọn lọc, gợi cảm, có nhạc tính cao. Nhưng ở trang 46 với bài Nỗi Nhớ Bên Kia, có hai câu thơ, không hiểu tác giả vô tình hay cố ý cường điệu (fantaisie) để đạt được ý cho điệp ngữ "chập chùng thuyền đi thuyền đi" mà bỏ quên luật bằng trắc cố định của hai câu thơ Lục Bát:

Thuyền ai một thuở qua sông
mắt lệ chập chùng thuyền đi thuyền đi
(nôĩ nhớ bên kia)

Trong thể thơ Lục bát, chữ thứ hai là vần bằng, có thể thay bằng vần trắc, nhưng rất gượng ép. Riêng chữ thứ tư âm cố định là vần trắc, tuỵệt đối không thể dùng vần bằng thay thế.

Về nội dung, MPÐ có cái rung động chân thật khi bày tỏ tâm sự của mình qua vần điệu. Thơ MPÐ có khi như kể chuyện, mạch lạc, đơn sơ, như trong bài "Tuổi thơ tôi" ( trang 25-27):

Riêng về mẹ, mẹ tôi hiền như đất
dẫu khi đau, môi mẹ vẫn tươi cười

Có khi tượng hình, sống động, như một đoạn văn tả cảnh:

Buổi chiều đang nghiêng xuống
chạy dài theo dòng sông
đường chân trời xa lắc
chim bay vào vô cùng
(Sau Vùng Kỷ niệm 32)

Nhìn chung, " Những Dòng Kỷ Niệm" là một tập hợp gồm 63 bài thơ. Ðó chính là 63 hồi ức về những đoạn đường và những quãng đời quá vãng còn để lại trong ký ức tác giả những dấu ấn đậm nét, những đốm lửa lập lòe và đã thành thơ khi ánh sáng từ tâm thức chiếu rọi. Ðề tài chính của tập thơ được bao trùm trong đề của sách, tóm gọn toàn bộ nội dung tác phẩm.
Cả tập thơ tác giả nói rất nhiều về kỷ niệm, về những quãng đời thơ mộng của tuổi đôi mươi, của hẹn hò, yêu thương, của những lỡ làng trắc trở.

Kỷ niệm không chỉ với tuổi học trò, tuổi yêu đương mà còn với cả con sông, ngọn núi, hàng cây, ngõ phố, con đường, mái trường xưa, người bạn cũ. Người đọc có cảm tưởng như tác giả đang trân mình trước hiện tại mà miên man với quá khứ, với dĩ vãng ngút ngàn...

Với MPÐ, thơ và bóng dáng người thơ, quá khứ vị lai, quê hương, nỗi nhớ, nỗi buồn, niềm vui sẽ mãi mãi dài theo cả một đời người:

Thơ trôi vào tâm thức
ngọt ngào như sương mai ...
quê hương cùng nỗi nhớ
trăm năm chưa tàn phai

MPÐ đã từng là một người lính Miền Nam đi đánh giặc, cho nên trên quãng đời lưu vong tỵ nạn "chuyện quê hương luôn đau xót trong lòng" mà tác giả đã thốt lên trong bài Thư Quê Hương (tr 122)

chân bước lên trong đất rộng trời cao
tình đất nước, tình quê hương ngời sáng
muời mấy năm lăn mình trong lửa đạn
cùng bạn bè đi gìn giữ non sông
trải yêu thương lên phố thị, nương đồng
đem nhân ái gội thơm tình tổ quốc
Ðã qua rồi một thời tuổi trẻ. Ðã qua rồi những dâu biển thăng trầm, giờ đây cách xa nửa vòng trái đất, MPÐ đắm chìm trong kỷ niệm, miên man nhớ về Sài Gòn, nhớ về Hà Nội, nhớ về Huế, nhớ Tam Kỳ, nhớ Thuận An...

Quê xa khắc khoải thu Hà Nội
mây nước giăng mù bao vấn vương

Hay:
Người vẽ mùa thu bằng nước mắt
bao giờ xóa được nỗi sầu chung

(nỗi sầu thu 118)
Nhận xét về thơ Mạc phương Ðình, Chu Vương Miện cho rằng: hành trình của đời người là hai bàn chân, hai cánh tay, một cái đầu, một trái tim ... và mấy bài thơ. Vậy thì hành trình của Mạc Phương Ðình đã có đủ những thứ đó; có đủ những thứ mà anh có, trong đó có mấy bài thơ sẽ được người đời gạn lọc góp vào trong gia tài chung của văn học Việt Nam.

Tôi rất vui mừng có thêm được một người bạn thơ, có thêm những thi phẩm tương đối vẹn toàn về cả hình thức lẫn nội dung trong tủ sách.

Xin cảm ơn nhà thơ MPÐ
Cảm ơn quý vị.
Song Nhị

Không có nhận xét nào: